Lãi suất sẽ giảm rõ hơn từ tháng 9-2011 (29/7/2011)
Tại hội nghị đầu tư 2011-2012 với chủ đề “Cơ hội cho ai?” do báo Nhịp
Cầu Đầu Tư tổ chức sáng 28-7 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng cơ
hội giảm lãi suất (LS) đang đến gần.
* Ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng hai yếu tố cấu thành hệ thống LS thị trường là LS liên ngân hàng và LS trái phiếu chính phủ đều giảm mạnh. LS liên ngân hàng giảm từ trên 20%/năm xuống còn 12-13%/năm và giữ ổn định trong thời gian tương đối lâu. LS trái phiếu chính phủ cũng đã giảm từ trên 14%/năm xuống còn xấp xỉ 12%/năm chứng tỏ thanh khoản ngân hàng thương mại đã được cải thiện đáng kể và là tiền đề giảm LS. Lạm phát những tháng gần đây cũng chỉ còn xấp xỉ 1%.Theo ông Nghĩa, nếu Ngân hàng Nhà nước làm tốt công cụ kiểm soát và giữ ổn định thị trường liên ngân hàng sẽ là tiền đề quan trọng để giảm LS tín dụng. Thực tế LS thị trường đã giảm 1%/năm so với mức trước đây do cầu tín dụng đã giảm rất mạnh và vốn được điều chuyển từ khu vực đầu tư công sang khu vực tư nhân. Dấu hiệu giảm LS sẽ rõ nét hơn từ tháng 9.
Trước luồng ý kiến LS giảm nhanh sẽ làm phương hại đến mục tiêu chống lạm phát, các chuyên gia tại hội nghị đã cho rằng không nên quá gay gắt vì nếu thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ dẫn đến giảm phát. Cần kiên quyết chống lạm phát nhưng không được để đình đốn sản xuất, nếu không quá trình khắc phục sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
* Theo ông Trương Đình Tuyển - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đối phó lạm phát nếu chỉ sử dụng chính sách tiền tệ thì không giải quyết được vấn đề. Năm 2011 lạm phát cao tương đương năm 2008 nhưng năm 2008 tiềm lực của doanh nghiệp còn mạnh do tăng trưởng từ 2005-2007 mang lại, dự trữ ngoại hối cũng dồi dào.
Tình hình năm 2011 có những mặt xấu hơn năm 2008 vì doanh nghiệp đã trải qua 3-4 năm khó khăn liên tiếp do việc chính sách thay đổi liên tục. Nhiều chuyên gia cho rằng số doanh nghiệp phá sản không công bố là rất lớn, và nguy cơ nợ xấu tích tụ ở khối doanh nghiệp nhà nước - nơi hút nguồn vốn lớn - sẽ dần bộc lộ.
* Ngày 28-7, ông Nguyễn Tấn Thành, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, cho biết đơn vị này đã bắt đầu giảm LS cho vay từ 0,5-1% tùy đối tượng. Cụ thể giảm 1% cho vay hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ được giảm 0,5%.
Theo đó, LS cho vay tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Vĩnh Long từ ngày 28-7 đối với hộ sản xuất nông nghiệp còn 18%/năm (ngắn hạn), 19%/năm (trung - dài hạn). Còn LS đối với doanh nghiệp là 19%/năm (ngắn hạn), 19,5%/năm (trung - dài hạn). Đây được xem là ngân hàng cho vay với LS thấp nhất khu vực ĐBSCL hiện nay.
Tương tự, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh An Giang cũng giảm đồng loạt 1% LS cho vay. Theo đó, LS cho vay hộ sản xuất hiện còn 20%/năm (ngắn hạn), 21%/năm (trung hạn), 22%/năm (dài hạn). Còn LS cho doanh nghiệp vay là 19%/năm (ngắn hạn), 20%/năm (trung hạn) và 21%/năm (dài hạn).
Tại Tiền Giang, ông Kiều Mạnh Minh, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Tiền Giang, nói hiện nay ngân hàng này chưa thể giảm LS như Vĩnh Long và An Giang. Tuy nhiên LS hiện đang áp dụng cũng ở mức thấp. Cụ thể vay ngắn hạn chỉ 19%/năm, còn trung và dài hạn 19,5%/năm, vay tiêu dùng 20%/năm.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã áp dụng rất nhiều biện pháp tiết kiệm để giảm LS cho vay.
Lan Anh - theo Tuổi trẻ