Thực hư chuyện “cò” vay vốn ngân hàng ở Trà Vinh (25/7/2011)

Đầu tháng 6/2011, khi đến Vĩnh Long, Trà Vinh tìm hiểu việc nhiều hộ dân gặp khó khăn do vay vốn mua xà lan chở cát, đá nhưng hoạt động bị ngưng trệ, nợ ngân hàng nhiều tỉ đồng, chúng tôi được bà con cho biết: “Trong khi chúng tôi đang đau đầu vì nợ thì một số người do hiềm khích cá nhân đã dựng lên chuyện vay vốn ngân hàng phải thông qua “cò”, chi phí hàng trăm triệu
đồng trên mỗi hợp đồng vay vốn”
.
Thông tin trên khiến người dân bức xúc vì ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc phạm uy tín, danh dự của một số người làm ăn hiệu quả cũng như tác động xấu đến ngành ngân hàng và chính quyền địa phương.
 
Đem thông tin trên đến xã An Phú Tân (Cầu Kè- Trà Vinh), hỏi những người vay vốn ngân hàng mua sà lan, chúng tôi nhận được cái lắc đầu kèm lời bình: “Ai dại dột đi vay vốn qua “cò” để mất cả trăm triệu đồng?”. Bà Đinh Thị Nhen, một người dân trong xã cho biết: “Thấy người ta chạy xà lan chở cát có lời nên tôi và gia đình thống nhất thế chấp tài sản, đến ngân hàng làm hồ sơ vay vốn mua xà lan chứ không hề có chuyện phải nhờ “cò”. Họ đồn có người làm “cò” ăn tiền cả trăm triệu đồng cho một hợp đồng vay vốn, tôi thấy điều đó không đúng. Mấy năm trước làm ăn lời hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho một chiếc xà lan thì không thấy ai nói tới chuyện “cò”. Bây giờ làm ăn khó khăn lại bày đặt làm mất uy tín của người khác. Khó khăn là khó khăn chung, mọi người phải cùng ráng vượt qua để mai mốt khấm khá hơn”.
 
Ông Phạm Văn Dũng, từng là Trưởng công an xã An Phú Tân, nói như đinh đóng cột: “Bà con ở đây tự đi làm hồ sơ vay vốn chứ không có chuyện qua “cò” như tin đồn”.
 
Nhiều người ở xã An Phú Tân khẳng định thông tin cho rằng, phải nhờ “cò” mới được vay vốn mua xà lan là hoàn toàn không đúng sự thật. Ông Phạm Thành Trung, Chủ tịch HĐND xã An Phú Tân cho biết: “Là cán bộ địa phương, tôi biết rất rõ việc vay vốn của bà con nên tôi khẳng định không có chuyện “cò” ngân hàng như một số người thiếu thiện chí tung tin”. Ông Nguyễn Hoàng Khên, Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè) cho biết thêm: “Cả xã có vài chục xà lan đều mua từ vốn vay ngân hàng nhưng do bà con trực tiếp làm thủ tục chứ không thông qua “cò” nào cả”.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc Agribank huyện Cầu Kè khẳng định: “Khi người dân có nhu cầu vay vốn, họ làm hồ sơ có xác nhận của địa phương mang đến ngân hàng làm thủ tục xin vay, sau đó chúng tôi cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế rồi mới duyệt cho vay. Vì vậy nói rằng vay vốn phải qua “cò” là hoàn toàn không có cơ sở”.
 
Một cán bộ ngân hàng tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Sau khi có thông tin người dân vay vốn phải qua “cò”, lãnh đạo ngành ngân hàng đã chỉ đạo Thanh tra làm việc với những hộ dân vay vốn mua xà lan. Qua làm việc, bà con khẳng định họ tự làm hồ sơ vay vốn chứ không có chuyện qua trung gian như lời đồn đại. Trên cơ sở đó, chúng tôi khẳng định thông tin cho rằng có người là “cò” vay vốn ở ngân hàng hay bảo lãnh vay vốn là không chính xác”.

Thông tin vay vốn phải qua “cò” là không có cơ sở
 
Thực hư chuyện “cò” vay vốn ngân hàng  ở Trà Vinh (25/7/2011)
Ông Nguyễn Hữu Phước

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh
Trước thông tin người dân vay vốn phải thông qua “cò”, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè.
 
Ông Phước cho biết: Tính đến ngày 31/5/2011, tổng dư nợ cho vay mua xà lan trên địa bàn huyện là 215 tỉ 696 triệu đồng (60 hộ vay); còn nợ cơ cấu (điều chỉnh kỳ hạn nợ) là 174 tỉ 342 triệu đồng (41 hộ)

Ông bình luận gì về thông tin người dân phải qua trung gian “cò” mới được vay vốn ngân hàng?
 
Khi có thông tin này, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện làm rõ. Sau khi xác minh, có thể khẳng định thông tin trên là không có cơ sở bởi việc vay vốn phải qua ngân hàng kiểm tra thực tế mới được vay chứ không hề có chuyện phải qua “cò” mới vay được vốn.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Việt Hà - theo Kinh tế Nông thôn