Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015 (28/9/2011)

Ngày 26/9/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 2124/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015.
Mục tiêu của Chương trình nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng lãng phí trong hệ thống ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư xây dựng trong ngành Ngân hàng; Tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu và đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của ngành Ngân hàng; góp phần kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 va Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ; Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Làm cơ sở cho các đơn vị xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015.

Chương trình sẽ tập trung triển khai một số nội dung quan trọng sau:
 
(i) Tuyên truyền, phổ biến, học tập và quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành như tiếp tục tăng cường tổ chức học tập, quán triệt về Luật thực hành tiêt kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong hệ thống ngân hàng và từng đơn vị. Việc học tập, quán triệt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức; Tuyên truyền, phổ biên kịp thời về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng thời kỳ, nhất là các quy định mới, có tính cấp bách của Nhà nước và NHNN về tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có những hành động, việc làm cụ thể, tạo bước chuyển biến thực sự trong lề lối làm việc, cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
 
(ii) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở để triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
 
(iii) Tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng kinh phí NSNN; quản lý vốn và chi phí hoạt động; trong quản lý, sử dụng và mua sắm tài sản; trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ; trong quản lý, đầu tư xây dựng công trình; trong quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động.

Về công tác kiểm tra, giám sát: Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện và chỉ đạo cấp dưới trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, tự kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Các đơn vị trực thuộc NHNN và các TCTD chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra từ đầu quý II hàng năm, khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại các đơn vị cấp dưới trực thuộc. Chỉ đạo các đơn vị cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra, tổng hợp báo cáo theo đúng quy định; Đối với các vi phạm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được phát hiện qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải khẩn trương khắc phục xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý;

Kiên quyết xử lý trách nhiệm về hành chính và công vụ đối với cán bộ, công chức vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị đối với các sai phạm tại đơn vị và sai phạm tại các đơn vị cấp dưới trực thuộc theo đúng quy định. Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, vượt thẩm quyền cần báo cáo đơn vị cấp trên trực tiếp xử lý hoặc báo cáo Thống đốc xử ký kịp thời.

Chương trình hành động cũng quy định rõ về công tác tổng hợp, báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành Ngân hàng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ; Các đơn vị, tập thể và cá nhân có sáng kiến, thành tích trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phát hiện, ngăn chặn các hành vi gây lãng phí đến tiền, tài sản, lao động và thời gian lao động thì được khen thưởng theo các hình thức bằng tiền hoặc bằng các danh hiệu thi đua theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Thống đốc NHNN giao Vụ Tài chính – Kế toán phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Kiểm toán nội bộ và Cơ quan Thanh tra, giám sát đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị để đề xuất danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp cho cá nhân, đơn vị.
 
Thanh Hà - theo website NHNN