Mobile Money - Dịch vụ thanh toán cho người không có tài khoản ngân hàng (08/9/2011)
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động,… và những dịch vụ tương tự.
Theo đó, người sử dụng dịch vụ Mobile Money có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước…), chuyển/nhận tiền (nhận/trả tiền tài chính vi mô, nhận tiền kiều hối hoặc tiền của những người đi làm xa gửi tiền về quê), quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người) - đây là dịch vụ dành cho những người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông, mà chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán theo 1 hình thức mới. Hình thức này tương tự như thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.
Hiện tại, đã có gần 200 dự án Mobile Money đã triển khai ở gần 100 nước trên thế giới, đạt tốc độ phát triển rất nhanh so với khoảng 20 dự án được triển khai cách đây 3 năm. Trên thế giới hiện có khoảng 2,5 tỷ người không được tiếp cận với các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trong khi đó có 5 tỷ người có điện thoại di động tạo nên một cơ hội lớn cho Mobile Money. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 1 tỷ người nghèo không có tài khoản ngân hàng sẽ được tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua Mobile Money. Mô hình kinh doanh Mobile Money là mô hình kinh doanh mà tất cả các bên tham gia cùng có lợi: ngân hàng thu hút được dòng tiền mặt lưu chuyển thành tiền lưu trữ trong ngân hàng, người dân và các nhà cung cấp dịch vụ có lợi vì có thêm phương tiện thanh toán thuận tiện, chính phủ có thể kiểm soát được các dòng tiền và các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.
Hiện tại, đã có gần 200 dự án Mobile Money đã triển khai ở gần 100 nước trên thế giới, đạt tốc độ phát triển rất nhanh so với khoảng 20 dự án được triển khai cách đây 3 năm. Trên thế giới hiện có khoảng 2,5 tỷ người không được tiếp cận với các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trong khi đó có 5 tỷ người có điện thoại di động tạo nên một cơ hội lớn cho Mobile Money. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 1 tỷ người nghèo không có tài khoản ngân hàng sẽ được tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua Mobile Money. Mô hình kinh doanh Mobile Money là mô hình kinh doanh mà tất cả các bên tham gia cùng có lợi: ngân hàng thu hút được dòng tiền mặt lưu chuyển thành tiền lưu trữ trong ngân hàng, người dân và các nhà cung cấp dịch vụ có lợi vì có thêm phương tiện thanh toán thuận tiện, chính phủ có thể kiểm soát được các dòng tiền và các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.
Hiện nay, trên thế giới có 3 mô hình cung cấp các dịch vụ Mobile Money, gồm: (1) các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; (2) ngân hàng thương mại; (3) đối tác cung cấp giải pháp phối hợp chặt chẽ với nhà mạng và ngân hàng hoặc là một liên doanh giữa ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong 3 mô hình trên thì mô hình thứ 3 đang dần trở nên quan trọng và chiếm ưu thế vì mô hình Mobile Money cần có cả nhà cung cấp dịch vụ di động và ngân hàng để đạt đến thành công nhanh nhất. Nhà cung cấp dịch vụ di động góp phần vào liên doanh hệ thống phân phối rộng khắp, có nhiều khách hàng di động cũng như hiểu được hành vi của khách hàng. Ngân hàng góp phần vào liên doanh bằng việc xây dựng và duy trì một tài khoản chuyên dụng để lưu giữ tiền điện tử nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống và cung cấp các dịch vụ đối soát bù trừ.
Cho đến nay dịch vụ Mobile Money thành công nhất là M-PESA được cung cấp bởi tập đoàn viễn thông Safaricom của Kenya từ năm 2007. M-PESA nhanh chóng được sử dụng phổ biến bởi nhiều người nhập cư đang làm việc tại các thành phố muốn gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Tại Kenya hiện nay có 7 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money trong tổng số 18,3 triệu người dùng điện thoại di động, với doanh số giao dịch giữa các cá nhân (P2P - Person to Person) lên đến 170 triệu USD/tháng, dịch vụ này được sử dụng để trả tiền học phí (không cần phải xếp hàng tại ngân hàng hàng tháng và hoàn thành hàng chục loại giấy tờ khác nhau), trả tiền taxi (người lái taxi thích điều này bởi họ không phải mang theo nhiều tiền). Đây là cách chuyển tiền nhanh, rẻ và an toàn hơn so với cách chuyển tiền qua ngân hàng và bưu điện hoặc chuyển tiền qua các tài xế xe buýt.
Ngân hàng Thế giới (WB) tính rằng, tại Kenya, việc giảm chi phí chuyển tiền nội địa trong nước từ 2-5% thì sẽ tăng lượng chuyển tiền tới 50-70% và kích thích tăng trưởng kinh tế. Giảm phí chuyển tiền của mỗi cá nhân sẽ tăng lượng chuyển tiền giá trị nhỏ. M-PESA giúp tăng lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ trong nội địa và giúp kích thích mạnh các hoạt động kinh tế. Tổ chức tư vấn trợ giúp người nghèo (Consultative Group to Assist the Poor - CGAP) trong một bản điều tra đã kết luận, thu nhập của các hộ gia đình tại Kenya có sử dụng dịch vụ M-PESA đã tăng thêm từ 5% lên 30% sau khi họ sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Dịch vụ Mobile Money cũng có ưu thế vượt trội so với một số dịch vụ tài chính thông thường khác trong bối cảnh người dân không thể tiếp cận được với các tài khoản tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Dù tài khoản M-PESA không trả lãi suất, nhiều người coi đó như tài khoản tiết kiệm. Việc có một tài khoản tiết kiệm nhỏ cho phép người ta có thể xoay xở tốt khi chi phí bất ngờ phát sinh mà không phải bán các tài sản khác.
Việc triển khai thành công Mobile Money là nền tảng cho việc triển khai các chương trình xã hội như tài chính vi mô, giải ngân đến tận tay người dân trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai lũ lụt hoặc các đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, Mobile Money rất thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp như có người đau ốm và ngân hàng thì đóng cửa. Trong trận động đất ở Haiti, nhờ việc triển khai Mobile Money mà Hội chữ thập đỏ có thể quyên góp gần 5 triệu USD trong vòng 48 giờ và ngay sau đó, chuyển tiền nhanh chóng đến tận tay các gia đình bị nạn. Với Việt Nam - nơi mà thường xuyên bị lũ lụt ở miền Trung, Mobile Money có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyên góp ủng hộ thiên tai lũ lụt. Những nước có địa hình khó đi (có nhiều đảo, sa mạc) như Phillipines, Indonesia và các nước châu Phi, Mobile Money là dịch vụ góp phần to lớn trong việc giải quyết những khó khăn về khoảng cách địa lý. Ngoài ra đối với những nước có lượng kiều hối chuyển về nhiều thì dịch vụ Mobile Money rất có điều kiện phát triển.
Dịch vụ Mobile Money đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trên thế giới. Tuy nhiên, với Việt Nam thì đây là một dịch vụ thanh toán tương đối mới với cả Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng như các công ty cung cấp giải pháp. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 70% dân số chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng nhưng tính đến tháng 5/2011 đã có khoảng 112 triệu thuê bao di động. Dịch vụ Mobile Money là một cách thức đơn giản, hữu hiệu, an toàn để người dân không có tài khoản ngân hàng, những người sống ở khu vực nông thôn và miền núi có thể tiếp cận được với dịch vụ thanh toán. Thực tế Việt Nam có địa hình dài, việc di chuyển xa giữa 2 đầu đất nước cùng với việc ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều kênh rạch, bên cạnh đó lượng kiều hối và lượng tiền gửi về nhà từ các công nhân đi làm xa nhiều sẽ rất phù hợp để phát triển Mobile Money.
Những thành tựu trong triển khai Mobile Money ở các nước đang phát triển đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ thanh toán cho hàng triệu hộ gia đình, đồng thời giảm đáng kể thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày. Có thể thấy rằng, đối với lĩnh vực Ví điện tử, Mobile Money đang là xu hướng chung của thế giới và là mô hình duy nhất hiện nay có thể triển khai rộng và thành công cho những người không có tài khoản ngân hàng.
Minh Trung - theo Website NHNN