Ngoại tệ gửi nước ngoài cũng phải dự trữ bắt buộc (5/9/2011)

Ngân hàng Trung ương vừa tung ra hàng loạt chính sách với thị trường ngoại hối trong đó có quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng ngoại tệ tại nước ngoài.
Theo đó, tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng tại nước ngoài được đưa vào diện tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ này là 1% trên số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trước đây, số tiền bằng ngoại tệ gửi tại nước ngoài của các tổ chức tín dụng không bị hạn chế.

Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại thẳng thắn cho rằng, liệu pháp này từ Ngân hàng Nhà nước thực tế chỉ có thể làm lợi cho các "ông lớn" về giao dịch ngoại tệ trong nước. Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi tại nước ngoài có thể khiến cho nguồn ngoại tệ trong nước nhiều hơn, ông đánh giá.

Còn theo phân tích của Tổng Giám đốc một ngân hàng khác, việc áp dụng dự trữ bắt buộc với tiền gửi của các tổ chức tín dụng ở nước ngoài sẽ có thể giúp cho lượng ngoại tệ ở lại Việt Nam được nhiều hơn. Tác động với các ngân hàng thương mại chắc sẽ không nhiều, ông cho biết.

Tổng giám đốc này cho rằng, tỷ lệ chỉ 1%, nên chẳng hạn với 1 triệu đôla, chỉ bỏ ra 10.000 USD dự trữ cũng không đáng kể lắm. Như vậy, liệu pháp này không giống với công cụ dự trữ bắt buộc tiền gửi. Dự trữ bắt buộc với tiền gửi trong nước bình thường sẽ ảnh hưởng đến vốn khả dụng của ngân hàng, có thể dùng để cho vay ra. Còn nguồn dự trữ dành cho tiền gửi tại nước ngoài có thể từ nhiều hình thức như ngân hàng đi vay ngân hàng, ngoại tệ nằm trên tài khoản tiền gửi nước ngoài của khách chuyển từ nước ngoài về...

Trong điều kiện bình thường, dự trữ bắt buộc phải nằm bên phần huy động hay bên tài sản nợ của ngân hàng, song quy định này được áp dụng đối với tiền gửi của chính ngân hàng nên chỉ có tác dụng làm tăng giá vốn, tăng phí. "Nếu ngân hàng thấy 'xót' sẽ quyết định để tiền ở đâu, trong nước hay nước ngoài. Đây là một liệu pháp thị trường từ Ngân hàng Trung ương", ông nói.

Thống kê cho thấy trong những tháng gần đây, tín dụng ngoại tệ liên tục tăng so với đồng Việt Nam. Tính đến 20/7/2011, tín dụng VND giảm 0,88%, tín dụng ngoại tệ tăng 1,96% so với tháng 6. Còn so với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,57%.

Trong nước, giao dịch liên ngân hàng qua đêm đối với đồng đôla Mỹ cũng không ngừng đi lên so với VND. Gần đây nhất, trong báo cáo hoạt động tuần từ 20/8 đến 26/8, doanh số qua đêm bằng VND đạt 55.074 tỷ VND, tương đương 41% tổng doanh số và bằng USD đạt 1.471 triệu USD, tương đương 57% tổng doanh số.

Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có hiệu lực thi hành kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 9 năm 2011.
 
Minh Hà - theo Vnexpress