Đã có phương án chuyển nhượng Ocean Bank, cơ cấu lại CB, GP Bank và DAB


Đã có phương án chuyển nhượng Ocean Bank, cơ cấu lại CB, GP Bank và DAB

Dự kiến nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận chuyển nhượng Ocean Bank từ Ngân hàng Nhà nước, rồi tiến hành cơ cấu lại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa gửi báo cáo tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lý các ngân hàng mua lại bắt buộc và Ngân hàng Đông Á (DAB).

Cụ thể, cơ quan này cho biết, trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được Quốc hội thông qua, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng. 

Sau khi được phê duyệt chủ trương, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương tiến hành các bước để tái cơ cấu và xử lý 03 ngân hàng mua bắt buộc và DAB đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, thực hiện kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo phù hợp với từng trường hợp cụ thể. 

"Đến nay, trên cơ sở phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn Cầu, DAB đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật”, báo cáo cho biết.

Song song với báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, đầu năm nay thị trường cũng đón nhận thông tin về các cuộc tiếp xúc, đặt vấn đề từ một số nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam về tham gia tái cơ cấu nhóm ngân hàng nói trên.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, cơ quan này đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tập trung xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị phương án xử lý đối với quỹ tín dụng nhân dân yếu kém nhằm xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động kém lành mạnh của một số quỹ tín dụng nhân dân, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp tại một số địa phương có nhiều quỹ tín dụng nhân dân để nắm bắt thêm tình hình hoạt động, các khó khăn, vướng mắc. Tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến quỹ tín dụng nhân dân yếu kém trên một số địa bàn như Đồng Nai, Bắc Ninh…

Trên cơ sở đó, cùng với kết quả và kinh nghiệm xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém trong thời gian gần đây, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án và Chỉ thị.