Thanh toán điện tử qua điện thoại tăng mạnh cả lượng và chất
100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu "thanh toán không tiền mặt".
Các ngân hàng trong cuộc đua đầu tư công nghệ, hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu "thanh toán không tiền mặt" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong quý 1-2019 đã tăng 18,45%, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động thanh toán điện tử, nhất là qua điện thoại di động cũng tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch, tăng tương ứng 97,75% và 232,3%.
Theo số liệu khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện vừa được công bố ngày 25-6, 100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu "thanh toán không tiền mặt".
Trong 2-3 năm trở lại đây, sự xâm nhập của công nghệ vào lĩnh vực tài chính (Fintech) được xem như một trào lưu "hợp thời" trước bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển toàn cầu và sự thay đổi hành vi online của khách hàng bao gồm hoạt động mua sắm, giải trí, mạng xã hội….
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng xu thế này có thể gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành ngân hàng, chẳng hạn như phải đối mặt với tình trạng công nghệ, vốn, nhận sự còn hạn chế.
Ngay các ngân hàng lớn dù có đủ vốn đầu tư, song cũng phải cân nhắc khi đặt trong bài toán chi phí, lợi nhuận và những ưu tiên chiến lược trong năm 2019.
Các vấn đề an ninh tài chính, bảo mật khách hàng vẫn còn nhiều lo ngại. Việc thanh toán trực tuyến hay thanh toán qua di động sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, mất tiền trong tài khoản ngân hàng… đang ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam dự kiến sẽ có gần 100 công ty Fintech tham gia, đòi hỏi cần có cơ chế pháp luật để quản lý hoạt động của các công ty này. Những thực tế này buộc NHNN phải có quan sát và điều chỉnh kịp thời để giảm thiểu tối đa các rủi ro tài chính có thể xảy ra.