Sống không cần tiền… mặt?

Ngày Không Tiền Mặt - 16/6 là một chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung của NHNN và có sự đồng hành của các TCTD.  

Ảnh minh họa

Không chỉ một tuần, mà cả tháng vừa qua những thông tin, hình ảnh thực tiễn về  phương thức tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Sự nỗ lực của ngành Ngân hàng và cả giới truyền thông suốt thời gian dài (có thể tạm tính từ khi ngành Ngân hàng triển khai Đề án Đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015; và hiện nối tiếp là đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020) dường như đang được đền đáp. Giờ, có một bộ phận người dân đã biết và thực hành “sống không cần… tiền” hay “quẹt là có”.

Theo khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động năm 2019. Tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018. Mức tăng 24% của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát. Đây là một minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp đã thực hiện thời gian qua.

Cụ thể, số liệu được NHNN cung cấp hôm 13/6 cho thấy: trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng. Bình quân số lượng giao dịch đạt trên 635 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 354 nghìn tỷ đồng/ngày. Đã có 18.700 ATM và 266.700 POS được lắp đặt. Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng.

Đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng; giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị hơn 924 nghìn tỷ đồng. Đã có khoảng 16 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code... đảm bảo hàng chục triệu người tiêu dùng có thể “chạm” hoặc không chạm (thẻ phi tiếp xúc) có thể thanh toán được hàng hóa, dịch vụ.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định, hạ tầng phục vụ TTKDTM không ngừng được đầu tư, nâng cấp đáp ứng được yêu cầu giao dịch thanh toán của nền kinh tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, thông suốt, góp phần thúc đẩy TTKDTM và tăng trưởng kinh tế. Công tác an ninh, an toàn, bảo mật luôn được coi trọng và là ưu tiên hàng đầu; quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được quan tâm và bảo vệ.

Để tăng cường hoạt động giám sát, NHNN đã ban hành Thông tư 20/2018/TT-NHNN quy định về giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng. NHNN đang thực hiện giám sát bằng phương thức trực tuyến và qua báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất của các tổ chức vận hành hệ thống để kịp thời nắm bắt thông tin và phối hợp với các bên liên quan có biện pháp xử lý các sự cố, phòng, ngừa rủi ro phát sinh, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt.

“Chị có ví không? Dùng ví điện tử lợi lắm” - bác tài hỏi ngay khi tôi vừa bước lên xe. Sau câu hỏi đó bác tài dành nguyên 20 phút - suốt quãng đường, để giảng giải về lợi ích của việc dùng ví điện tử và khoe bác có hai ví điện tử, đã mở tài khoản thanh toán ở ngân hàng để “tiền cứ chuyển qua chuyển lại mà không lo mất”. Câu chuyện nhỏ này phần nào cho thấy, đúng như nhận định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: Giải quyết được nỗi lo của người dùng về tính an toàn, bảo mật hay đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng sẽ khuyến khích người dân đến với các hình thức TTKDTM một cách vui vẻ, tự nguyện...