"Đem chuông đi đánh xứ người", các ngân hàng Việt đang làm ăn thế nào?


"Đem chuông đi đánh xứ người", các ngân hàng Việt đang làm ăn thế nào?

Mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài nhưng không phải ngân hàng nào cũng nhận lại được món lợi lớn...

Trong buổi làm việc tại Myanmar mới đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết chi nhánh Yangon tại nước sở tại có tổng tài sản hơn 130 triệu USD tính đến 31/5. Huy động không kỳ hạn đạt 46,5 triệu USD và dư nợ bình quân 20 triệu USD. Lượng khách hàng doanh nghiệp tăng 27% so với cuối năm 2018.

Ông Tú cũng cho biết: "Một chi nhánh mở ở nước ngoài của ngân hàng thông thường cần 5 năm mới có lãi, nhưng BIDV Yangon đã bắt đầu có lãi sau 3 năm". Tới nay, chi nhánh này lãi 1 triệu USD và đang cung cấp một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thông qua liên kết với Mytel.

BIDV là ngân hàng Việt tiên phong trong xu hướng liên doanh, thành lập công ty con, ngân hàng con và văn phòng đại diện tại nước ngoài. Sau BIDV, nhiều ngân hàng lớn trong nước cũng tìm đường ra nước ngoài làm ăn, chủ yếu tại thị trường Đông Nam Á. Trong đó, Lào, Campuchia và Myanmar là 3 thị trường được ưa chuộng bậc nhất, không chỉ gần về mặt địa lý mà còn có mối quan hệ ngoại giao, thương mại lại nhiều điểm tương đồng về văn hóa. BIDV, Sacombank, SHB, MBBank, VietinBank và Vietcombank là những ngân hàng đi đầu về việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Dẫu vậy, "đem chuông đi đánh xứ người" nhưng không phải ngân hàng nào cũng nhận lại được món lợi lớn. Kết quả kinh doanh của các chi nhánh, ngân hàng con ở nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào bản thân năng lực của ngân hàng đó mà còn bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh của nước sở tại. Khảo sát tại một số ngân hàng Việt có mở ngân hàng con ở Lào và Campuchia, trong khi tại thị trường Lào liên tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận thì ở thị trường Campuchia có vẻ kém khả quan, có ngân hàng còn lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Có những chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh ở nước ngoài "làm mưa làm gió" tại thị trường bản địa, xếp top đầu về quy mô và hiệu quả kinh doanh. Nhưng cũng có những ngân hàng lại lún sâu vào những khoản lỗ từ năm này qua năm khác.

Cuối năm 2018, tổng tài sản của BIDV ở nước ngoài là 41.723 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 33.273 tỷ đồng và bị lỗ 93 tỷ. Kết quả này khá bất ngờ bởi nhiều công ty con, ngân hàng con ở nước ngoài của BIDV có thị phần lớn tại nước sở tại.