Cẩn trọng với “cơn sốt” lãi suất chứng chỉ tiền gửi 9%/năm
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất cao nhất so mặt bằng hiện nay. Khách hàng cá nhân mua chứng chỉ tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng được lãi suất cuối kì 9,1%/năm; lãi suất hàng tháng là 8,38%/năm.
Không chỉ VietAbank mà ngân hàng SHB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất đến 8,9%/năm. Tương tự, MSB cũng vừa cho ra mắt chứng chỉ tiền gửi Lộc Bảo Phát liên kết lợi suất đầu tư trái phiếu chính phủ với lãi suất có thể cao hơn tới 30% so với lãi suất sản phẩm tiết kiệm thông thường. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 12 hoặc 18 tháng tại MSB tương ứng là 6,8%/năm, 7,3%/năm và 7,7%/năm.
Trước đó, BIDV cũng triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung dài hạn 2019 với lãi suất 7,6%/năm với 2 hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi ở kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Hay Sacombank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 8,6%/năm. Chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng).
Lý do khiến các ngân hàng chạy đua trong việc phát hành chứng chỉ thời gian qua, theo TS Bùi Quang Tín - giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, các ngân hàng đang tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn để cho vay. Mục tiêu của chứng chỉ tiền gửi là huy động số tiền lớn nhắm vào đối tượng nào đó trong thời gian ngắn nên các ngân hàng tăng mạnh mức lãi suất huy động để hút. Hơn nữa, nguồn vốn huy động từ chứng chỉ tiền gửi đối với kỳ hạn dài có tính ổn định hơn so với huy động tiết kiệm.
Ngoài ra, cũng nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40%, các ngân hàng tăng huy động vốn trung dài hạn mới có thể cho vay ra được.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia tài chính, mức lãi suất này có thể chỉ được áp dụng trong 1 năm đầu tiên như một hình thức khuyến mại, sau đó sẽ áp dụng hình thức lãi suất linh hoạt.
Thông thường tính theo lãi suất huy động bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, cộng biên độ trong khi lãi suất huy động của những ngân hàng này thường thấp hơn các ngân hàng TMCP tư nhân.
Đáng chú ý, với chứng chỉ tiền gửi ghi danh thì khi có nhu cầu vốn đột xuất, khách hàng không thể hủy ngang hợp đồng và phải chiết khấu hợp đồng hoặc thế chấp vay vốn lại, chấo nhận sẽ mất tiền chênh lệch giữ lãi suất cho vay và lãi suất chứng chỉ (ghi trên hợp đồng).
Do đó, nếu để so sánh với gửi tiết kiệm thì chứng chỉ tiền gửi sẽ không có tính thanh khoản cao, đối với tiền gửi khách hàng có thể rút tiền khi đến hạn nhưng cũng có thể rút trước hạn mà chỉ phải chịu mức lãi suất thấp hoặc không có lãi suất.