Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội (25/11/2011)

Chiều ngày 24/11/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Văn Quyết (Bà Rịa- Vũng Tàu): Hiện có bao nhiêu ngân hàng hoạt động yếu kém và phương án đảm bảo an toàn hệ thống khi tái cấu trúc. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn thực sự đúng đắn về tái cấu trúc vì hoạt động ngân hàng có vai trò hết sức to lớn, đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm. Những năm trước đây, khi nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, hệ thống ngân hàng đã đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Tới nay, khi nền kinh tế đứng trước nhu cầu chuyển sang phát triển theo chiều sâu, hệ thống cũng phải thay đổi để không chỉ đáp ứng vốn mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về các dịch vụ ngân hàng- tài chính.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội (25/11/2011) 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội
 
Nhiệm vụ tái cấu trúc ngân hàng để đáp ứng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Thống đốc cho biết, hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ổn định mà ví dụ mới nhất là cách đây 1 tuần, Vietcombank đã phát hành trái phiếu ra thế giới với giá khá cao.
 
Thống đốc cho biết, Việt Nam hiện có 37 ngân hàng cổ phần, trong đó 8 ngân hàng mạnh làm trụ cột cho hệ thống, 8 ngân hàng ở mức trung bình, 8 ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động lành mạnh và 8 ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động chưa lành mạnh. Tỷ lệ ngân hàng hoạt động yếu kém không quá 5% số lượng các tổ chức tín dụng trên toàn quốc.
 
Theo Thống đốc, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được hoàn thành và đến phiên họp cuối tháng 11 này, Chính phủ sẽ thông qua và xin ý kiến Bộ Chính trị.
 
Thống đốc nhấn mạnh, tái cấu trúc nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước trong bối cảnh quốc tế biến động; tạo ra hệ thống ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển sắp tới về vốn cũng như dịch vụ ngân hàng; tạo ra hệ thống ngân hàng đa dạng quy mô, đa dạng loại hình sở hữu. Theo tính toán sẽ có 2 ngân hàng có đủ sức cạnh tranh khu vực, từ 10- 15 ngân hàng đủ mạnh để làm trụ cột hệ thống ngân hàng. Đồng thời, có các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định.
 
Trả lời một số câu hỏi về lãi suất ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời điểm cuối năm 2010 trần lãi suất huy động là 14% có ý nghĩa tích cực vì kế hoạch lạm phát năm 2011 đưa ra là 7%. Từ đầu 2011 đến tháng 7/2011, lạm phát cao hơn nên trần lãi suất 14% trở thành rào cản, trong giai đoạn này việc người gửi tiền bị thiệt là có thật. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, trước diễn biến lạm phát giảm dần, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, trần lãi suất huy động 14% là để giảm cho vay từ trên 20% xuống 17- 19%.
 
Thống đốc cho rằng, đến nay, chúng ta đã đạt được mục tiêu đó. Nhiều ngân hàng đã đưa ra chương trình tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất 16%, lãi suất cho nông nghiệp, nông thôn ở mức 14- 15%. Hiện nay, đa số hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh đã tiếp cận được vốn ở mức lãi suất này. Lạm phát tiếp tục giảm trong thời gian tới là điều kiện để xem xét việc giảm trần lãi suất.
 
* Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 25/11:

Về lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Tại buổi trả lời chất vấn này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình  cho biết lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.  Theo đó từ nay đến năm 2015, NHNN thực hiện từng bước trong lộ trình tái cấu trúc, cụ thể:

Để thực hiện tái cấu trúc, NHNN thực hiện chia các ngân hàng thành 3 nhóm: Nhóm I  gồm tổ chức tín dụng (TCTD) quy mô lớn, hoạt động tốt lành manh; nhóm II là nhóm các TCTD quy mô nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh, không có nhu cầu mở rộng quy mô; và cuối cùng là nhóm III là các TCTD quy mô nhỏ, hoạt động yếu, tài chính không lành mạnh.

Lộ trình tái cấu trúc là  từ nay đến quý I/2012, thực hiện định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt thanh khoản cho các ngân hàng thuộc nhóm III. Từ quý II/2012 đến năm 2013 hoàn thành tái cấu trúc đầy đủ các ngân hàng thuộc nhóm IIII. Từ năm 2013-2015 hoàn thiện tái cấu trúc hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng.

Mục tiêu của giai đoạn này là có 15 TCTD quy mô lớn, lành mạnh làm trụ cột hệ thống ngân hàng. Có 2 TCTD có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Từ 2015-2020 sẽ tiếp tục tái cấu trúc để có thể đưa 4 TCTD đủ sức cạnh tranh trong khu vực và có 2 TCTD được xếp hạng là TCTD lớn của khu vực Đông Nam Á.

Để thực hiện lộ trình trên NHNN đưa ra giải pháp cụ thể trong đó chủ trương phát huy nội lực, sử dụng các TCTD có quy mô lớn, tài chính lành mạnh để tham gia tái cấu trúc nhằm sáp nhập các TCTD nhỏ, hoạt động yếu kém.

Với giải pháp này NHNN cho rằng đáp ứng được 2 mục tiêu là các TCTD nhỏ yếu được tái cấu trúc và các TCTD hoạt động tốt có điều kiện tăng quy mô, hoạt động tốt hơn.

Các vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN:
Tiếp tục trả lời thêm về thực hiện trần lãi suất huy động 14% một năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay, việc thực hiện trần lãi huy động này phù hợp, các ngân hàng nhỏ, ngân hàng hoạt động  lành mạnh không gặp khó khăn, chỉ có hiện tượng người gửi rút tiền ở TCTD hoạt động  yếu kém.

Thống đốc NHNN cho biết, trần lãi suất huy động 14%/năm đã được áp dụng từ cuối năm 2010 nhưng trước khi siết chặt kỷ cương từ 7/9/2011 thì hiện tượng huy động vượt trần diễn ra ở nhiều ngân hàng, phổ biến ở mức 17-18% một năm. Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra nhưng không phát hiện được TCTD nào vi phạm. Thống đốc thừa nhận đây là khuyết điểm của NHNN trong công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng.

Về vấn đề chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, theo Thống đốc NHNN, trước tháng 8/2011, lãi suất huy động phổ biến ở mức 16 -18% một năm; cho vay 19 – 22%. Như vậy, chênh lệch dao động 2 – 4% là phù hợp với tình hình ở Việt Nam và quốc tế. Đến nay, ngân hàng huy động 14%, cho vay ở mức 16-18% thì chênh lệch vẫn ở mức cho phép.

Về ý kiến nên quy định thêm trần lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cho biết NHNN đã nghiên cứu kỹ vấn đề này và cho rằng nếu quy định trần lãi suất cho vay thì sẽ dẫn tới hiện tượng cào bằng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp, không phân biệt được doanh nghiệp hoạt động tốt, doanh nghiệp hoạt động xấu, loại hình doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển và công tác điều hành của NHNN sẽ gặp khó khăn.

Trả lời vấn đề doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, Thống đốc NHNN khẳng định: Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 12-13%. Trong đó, vốn ngân hàng tập trung vào lĩnh vực sản xuất trực tiếp, hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp và nông thôn và cùng với việc trong thời gian gần đây các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nên các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, trong lĩnh lĩnh vực phi sản xuất chưa được ưu tiên nguồn vốn tín dụng và đối với lĩnh vực này thì các ngân hàng thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận (cao hơn 18%/năm) nên một số doanh nghiệp phi sản xuất có khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Giải thích về việc áp dụng trần lãi suất huy động đồng đô la Mỹ là 2% một năm trong khi các ngân hàng cho vay tới 8%, Thống đốc NHNN cho rằng đây là biện pháp nhằm triển khai thực hiện Đề án chống đô la hóa nền kinh tế nên lãi suất 8% là để hạn chế vay. Đồng thời, đây cũng là biện pháp để khuyến khích người dân và doanh nghiệp chuyển từ quan hệ vay, mượn ngoại tệ sang thực hiện quan hệ mua, bán ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng.

Về nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đến nay là khoảng 3,3% trên tổng dư nợ cho vay. Riêng cho vay trong lĩnh vực bất động sản, dư nợ cho vay khoảng 8,3% tổng dư nợ chung của toàn hệ thống, trong đó nợ xấu  chiếm 4,2% dư nợ cho vay bất động sản. Do vậy, nợ xấu trong cho vay bất động sản không phải là yếu tố  chủ yếu về quyết định tình hình nợ xấu của Việt Nam. Đồng thời dư nợ và nợ xấu của cho vay bất động sản cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Mặt khác, theo chuẩn kế toán Việt Nam thì nợ xấu hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Còn vấn đề cho rằng theo chuẩn quốc tế thì nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là cao hơn thì cần phải xem xét bởi vì chuẩn quốc tế có nhiều nội dung khác nhau.

Các vấn đề liên quan hoạt động của hệ thống TCTD:

Về ý kiến lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay là lớn trong khi nền kinh tế có nhiều khó khăn, Thống đốc NHNN cho rằng, cần phải có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này bởi vì  tổng tài sản của các ngân hàng rất lớn tới 50.000-60.000 tỷ đồng, trong khi vốn  điều lệ ít nhất cũng phải đạt 3.000-5.000 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, nên mỗi năm các ngân hàng lãi khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng là không cao nếu so sánh về  tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng với các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác. Các tổ chức tín dụng đứng thứ 15 trong tất cả các nhóm doanh nghiệp về lợi nhuận và điều này thể hiện ở giá cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán đang rất thấp so với doanh nghiệp khác. Mặt khác,  phải sau thời điểm 31/12 hàng năm thì các ngân hàng mới chính thức biết được lợi nhuận của mình, sau khi hoàn thành việc trích lập dự phòng rủi ro và thực hiện xong các nghĩa vụ khác với người lao động và nhà nước.

Trước lo ngại về việc để ngân hàng phát triển thành tổ chức tài chính quá lớn, không thể cho phá sản như đã xảy ra tại một số nước trên thế giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng các ngân hàng của Việt Nam hiện ngay có quy mô nhỏ bé về chỉ tiêu tổng tài sản và vốn điều lệ so với các ngân hàng trong khu vực. Ngân hàng lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam cũng chưa đạt tới mức là tổ chức tái chính lớn trong khu vực. Do đó, về quy mô của các TCTD hiện nay chưa có TCTD nào qua lớn để không thể cho phá sản theo các quy định của pháp luật.

Về vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh vàng:

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doang vàng thì chỉ có thương hiệu vàng SJC đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng, Thống đốc cho rằng cần phải xem xét cụ thể bởi vì hiện tại vàng SJC đã chiếm 90% thị phần vàng miếng trên cả nước, chất lượng vàng miếng SJC đã được khẳng định với thị trường cả trong nước và thế giới. Do đó, trong giai đoạn trước mắt việc sử dụng vàng SJC là phù hợp và đem lại nhiều lợi ích. Đồng thời, việc nắm giữ, mua bán vàng miếng của người dân với tổ chức kinh doanh vàng được phép tiếp tục được nhà nước bảo đảm các quyền lợi hợp pháp.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, trong thời gian tới nhà nước sẽ thực hiện việc  độc quyền quản lý sản xuất vàng miếng và sẽ chuyển việc sản xuất vàng miếng về Ngân hàng Nhà nước khi có đủ điều kiện. 
 
Thanh Hà - theo website NHNN