Quảng Nam: Vốn tín dụng tập trung cho nông nghiệp nông thôn (24/11/2011)

Đến cuối tháng 10/2011, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 28,71% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 129,73% so với đầu năm.
Tại Quảng Nam, hàng năm đã có trăm ngàn lượt hộ nông dân và các đối tượng khách hàng khác ở nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều người nhờ nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất đã thoát nghèo và làm giàu bằng chính các sản phẩm nông nghiệp ngay tại quê hương mình.
 
Trong năm 2011, bám sát chủ trương, định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thống đốc NHNN và Quyết định 921/QĐ-UBND tỉnh Quảng Nam về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế xã hội, một trong các nội dung mà ngành Ngân hàng Quảng Nam tập trung triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2011 là tăng trưởng tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Llĩnh vực nông nghiệp nông thôn được đặc biệt chú trọng. NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sát sao các TCTD trên địa bàn tiến hành cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại địa phương. Theo đó, trong năm 2011 phấn đấu đạt tổng dư nợ tín dụng đầu tư nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng 25% trong tổng dư nợ (năm 2010 chiếm 15,79% tổng dư nợ) nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại địa phương.
 
Đến cuối tháng 10/2011 trên địa bàn tỉnh có 08 chi nhánh ngân hàng và 03 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở triển khai đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với dư nợ đạt 5.520 tỷ đồng, chiếm 28,71% trên tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 129,73% so với đầu năm, trong đó phần lớn là dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với 48,65%; Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 38,55%. Chương trình cho vay chủ yếu đáp ứng nhu cầu về chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm 37,12%); Cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn (chiếm 22,46%); Cho vay phát triển ngành nghề nông thôn (chiếm 11,83%), cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm thủy sản và muối chiếm 9,78% và còn lại là các chương trình cho vay khác. Đối tượng cho vay của các chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chủ yếu là hộ gia đình, hộ kinh doanh, với 133.167 hộ, chiếm 48,14% trên tổng dư nợ; Các doanh nghiệp với114 doanh nghiệp, chiếm 40,88% tổng dư nợ, còn lại là các đối tượng khác.
 
Nhằm góp phần thực hiện một cách có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn trực tiếp đến các xã thuộc diện xây dựng nông thôn mới để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể của khách hàng. Để có thể đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng cho vay phục vụ xây dựng nông thôn mới, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng mạng lưới, tranh thủ nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng cấp trên. Bên cạnh đó, các ngân hàng tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín dụng như cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tiếp cận, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng; chuyển dịch cơ cấu tín dụng; chủ động bố trí cán bộ tín dụng phụ trách cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn...
 
Tại xã Tam Phước, một trong những xã điểm toàn quốc về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Nam, các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn đã cho vay đạt dư nợ 20,6 tỷ đồng, tập trung chủ yếu các chương trình cho vay sản xuất kinh doanh; xây dựng nhà; cho vay hộ nghèo; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường … Sau gần 02 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới, Tam Phước từ một xã thuộc diện trung bình khá của huyện Phú Ninh đến nay có rất nhiều thay đổi, đã đạt được 12/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia và từng bước định hình xã nông thôn mới.
 
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được tại xã thí điểm Tam Phước, thực hiện mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 50/213 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh đầu tư tín dụng tại các xã khác để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đến nay, tổng vốn tín dụng đầu tư tại 50 xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đã giải ngân được 963 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,14% tổng dư nợ trên địa bàn. Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn còn cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn, giải ngân đúng tiến độ để các hộ dân của xã (có vốn đối ứng của cộng đồng) thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, như chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển trang trại, hợp tác xã; cải tạo nâng cấp nhà ở; xây dựng bể chứa nước, hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi... nhằm góp phần đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thanh Hà - theo website NHNN