Thận trọng với các khoản chào cho vay vốn của các đối tác nước ngoài

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thận trọng với các khoản chào cho vay của các đối tác nước ngoài.

    Lý do Bộ Tài chính đưa ra khuyến cáo trên là trong thời gian vừa qua đã xuất hiện một số cá nhân tự giới thiệu là đại diện của các tổ chức quốc tế đến làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (các Bộ, ngành và địa phương mà các tổ chức này đã đến là Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, TP. Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An…) để chào cho vay với số tiền lớn, lãi suất thấp, thời hạn dài hoặc chào tài trợ không hoàn lại; điều kiện cho vay là có bảo lãnh hoặc bảo đảm dưới hình thức trái phiếu của Chính phủ do Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước hoặc của các ngân hàng thương mại cấp.

 

Tuy nhiên, khi xác minh về tư cách pháp nhân và năng lực tài chính của các tổ chức chào cho vay thì đều phát hiện ra rằng các cá nhân, tổ chức này thực chất không có khả năng thu xếp và cung cấp các khoản tài chính lớn cho Việt Nam.

 

Trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu Chi nhánh ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng thận trọng trong việc tiếp xúc, trao đổi với các đối tác chào cho vay nước ngoài; không phát hành các loại giấy mời, thư hứa bảo lãnh, giấy ủy quyền vay vốn khi chưa nắm được thông tin về đối tác; thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

 

Ngân hàng Nhà nước lưu ý, thực chất các thư bảo lãnh là một hối phiếu nhận nợ, có thể sử dụng làm công cụ huy động vốn, mua bán chuyển nhượng, chiết khấu…. trên thị trường tài chính quốc tế. Cơ quan phát hành bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi thư bảo lãnh đến hạn, cho dù khoản vay có được giải ngân hay không