Thâm hụt ngân sách Mỹ vượt mức 1.000 tỷ USD

Lần đầu tiên thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong năm tài chính 2009 (bắt đầu từ tháng 10/2008) đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD và có thể còn tăng lên tới gần 2.000 tỷ vào mùa thu này.
 

Thông tin trên của Bộ Tài chính Mỹ, công bố ngày 13/7, làm gia tăng lo ngại về tỷ lệ lãi suất cao hơn, lạm phát gia tăng và tác động tới giá trị của đồng USD.

Thông báo của Bộ Tài chính cho biết trong tháng 6, thâm hụt ngân sách đã lên tới 94,3 tỷ USD, đưa mức thâm hụt trong 9 tháng đầu năm tài khóa hiện nay (kết thúc ngày 30/9 tới) lên mức 1,09 nghìn tỷ USD.

Nguyên nhân là do Chính phủ Mỹ đã dành khoản tiền lớn vào chương trình chống khủng hoảng tài chính, trong khi nguồn thu từ thuế lại giảm mạnh. Chi phí cho các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan trong năm nay cũng là nhân tố đẩy mức thâm hụt ngân sách lên cao.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama dự đoán mức thâm hụt ngân sách của năm tài chính 2009 (kết thúc vào ngày 30/9 tới ) sẽ tăng lên 1,84 nghìn tỷ USD, sau đó giảm xuống còn 1,26 nghìn tỷ USD vào năm tài chính 2010.

Mức thâm hụt sẽ tiếp tục giảm xuống 912 tỷ USD vào năm 2011, 581 tỷ USD vào năm 2012 và 533 tỷ USD vào năm 2013. Trong 10 năm tới, tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ vào khoảng 7,1 nghìn tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) đang hết sức lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ, không chỉ vì giá trị đồng USD giảm mà còn vì các khoản đầu tư của họ vào nền kinh tế lớn nhất thế giới không được đảm bảo.

Cùng kỳ năm ngoái, ngân sách liên bang của Mỹ thâm hụt 285,9 tỷ USD và trong cả năm tài chính 2008, thâm hụt ngân sách dừng ở mức 454,8 tỷ USD./.