Công ty chứng khoán hướng tới xu thế sáp nhập
Theo lộ trình, năm 2010 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ban hành các Thông tư hướng dẫn về việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Đây là vần đề thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà đầu tư cũng như các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ.
Để làm rõ hơn vấn đề này bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán thuộc Ủy ban chứng khoán đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Hiện tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nhận được đơn xin sáp nhập hay giải thể nào của công ty chứng khoán chưa?
Chính thức thì chưa có công ty nào nhưng họ cũng mong muốn Ủy ban chứng khoán tư vấn cho việc sáp nhập.
Một vài công ty có ý tưởng hoặc là hợp nhất hoặc là sáp nhập với nhau, theo tôi điều đó rất tốt vì thực ra một số công ty rất nhỏ, phải hợp lực với nhau về năng lực tài chính về con người về quản trị công ty, kể cả lãnh đạo công ty đó phải là những người rất có trình độ, chuyên môn thì công ty mới có thể đứng vững phát triển được để mà đương đầu khi thị trường mình mở cửa theo đúng lộ trình vào WTO.
Việc sáp nhập có điểm nào còn vường mắc?
Hiện nay việc sáp nhập hợp nhất với nhau khó vì ai là người xác định giá trị doanh nghiệp một cách khách quan nhất, công ty nào cũng cho là ngoài giá trị thực còn có giá trị thương hiệu, đánh giá giá trị thương hiệu như thế nào để tính, sau đó mới tính tương quan giữa 2 cái chuyển đổi cổ phiếu, đó mới là vấn đề.
Đối với vịêc giải thể phá sản công ty chứng khoán nói chung, tình trạng hiện nay các công ty hầu như chỉ là các nghiệp vụ vốn không đáp ứng thôi, chứ còn để tình trạng phải giải thể phá sản thì không có công ty nào trong tình trạng đó.
Nếu đúng lộ trình, sang năm 2010 mới ban hành thông tư này, nhưng nếu việc sáp nhập hay hợp nhất, giải thể của công ty chứng khoán lại diễn ra trước đó thì giải quyết theo quy định nào?
Thông tư này chỉ quy định toàn bộ quy trình thủ tục việc hợp nhất sáp nhập giải thể phá sản công ty chứng khoán, còn các điều kiện để hợp nhất sáp nhập thì về cơ bản đã có trong Quyết định 27 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán.
Tuy nhiên cần dựa vào các văn bản khác nữa, từ nay đến lúc đó cũng có thể thực hiện hợp nhất sáp nhập được. Việc làm dựa vào Quyết định 27 và nếu cần chi tiết hóa thêm một số điểm hợp lý thì các công ty chắc chắn làm được, mình có thể cung cấp được.
Tất nhiên, nếu phát sinh việc hợp nhất thì không phải chờ Thông tư cũng có thể làm được, nhưng theo tôi về việc này, từ lúc phát sinh ý tưởng đến triển khai của các công ty cũng phải đến hàng năm trời.
Việc ban hành thông tư về các tỷ lệ an toàn tài chính có ý nghĩa như thế nào với thị trường chứng khoán?
Thông tư về các tỷ lệ an toàn tài chính là để đảm bảo cho các công ty chứng khoán, để tự họ giám sát độ an toàn tài chính của họ và bản thân Ủy ban giúp họ giám sát độ an toàn tài chính.
Đối với thị trường thì một thị trường chứng khoán không chỉ có các nhà đầu tư, phải mạnh về tiềm lực tài chính và phải hiểu về thị trường này thì thị trường mới hoạt động hiệu quả được, mà bên cạnh đó còn có các tổ chức trung gian trong đó có các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.
Nếu các tổ chức này cũng hoạt động an toàn và tiềm lực tài chính mạnh rõ ràng sẽ đóng góp cho sự phát triển thị trường mạnh hơn và thị trường sẽ phát triển tốt hơn.
Bà có thể cho biết hiện đang có bao nhiên công ty quản lý quỹ xin thành lập?
Hiện tại thì không có, tới đây Ủy ban chứng khoán sẽ trình Bộ Tài chính về việc chuẩn bị nhận hồ sơ thành lập theo quy định mới, nhưng tôi cho rằng quy định mới với điều kiện rất chặt chẽ đảm bảo năng lực tài chính của cổ đông sáng lập thành viên sáng lập nên chắc là cũng lâu.
Việc xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này được áp dụng thế nào?
Về nguyên tắc xây dựng văn bản thì theo nguyên tắc chung, căn cứ vào luật, văn bản dưới luật, đây là thông tư hướng dẫn để đảm bảo an toàn tài chính cho công ty.
Bên cạnh đó có các nghị định thi hành theo Luật chứng khoán như nghị định thanh tra giám sát xử lý vi phạm và dưới nghị định có thông tư hướng dẫn./.