NHNN: Họp báo thường kỳ tháng 10 thông báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng (29/10/2014)

Ngày 28/10/2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thường kỳ thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Tham dự buổi hợp báo có đại diện các Vụ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Công ty quản lý tài sản của các  tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)... cùng đông đảo các phóng viên của các cơ quan báo chí.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Hải Long và lãnh đạo Ban Tiếp thị và Truyền thông Agribank tham dự buổi họp báo.

Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

Thực hiện Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, ngày 15/1/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014. Theo đó, trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các TCTD.
 
NHNN: Họp báo thường kỳ tháng 10 thông báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng (29/10/2014)

Trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014, NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó chủ yếu qua nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý, sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đến ngày 24/10/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực giảm; đến ngày 9/10, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

NHNN đã điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD, chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, lãi suất với khách hàng, ban hành và triển khai kịp thời chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh-xã hội. Đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
 
Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bắt đầu từ ngày 29/10, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân từ 6% xuống còn 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8% xuống còn 7%/năm. Giảm lãi suất tối đa với gửi tiền bằng USD của cá nhân từ mức 1%/năm xuống còn 0,75%/năm.
 
NHNN: Họp báo thường kỳ tháng 10 thông báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng (29/10/2014)

Cũng theo Phó Thống đốc, những định hướng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong 10 tháng qua đã gắn với chính sách của nền kinh tế. Trong 2 tháng cuối năm, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN quyết định giữ ổn định các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

 "Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc luôn trăn trở làm sao giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra hiệu triệu đối với các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên không quá 10%/năm", bà Hồng chia sẻ.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo các NHTM Nhà nước đều đồng thuận hưởng ứng lời hiệu triệu NHNN điều chỉnh giảm lãi suất. Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Hải Long cho biết, trên toàn hệ thống Agribank từ ngày 29/10/2014, trên toàn hệ thống sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống tối đa 7% và trung dài hạn tối đa xuống còn 10%.

Ông Nguyễn Danh Lương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, từ khi chưa có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã xác định là trụ cột cho Ngân hàng Nhà nước phục vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với tín dụng ngắn hạn, Vietcombank sẽ thực hiện theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là dưới 8%, cam kết là 7%; với tín dụng chung và dài hạn sẽ cam kết thực hiện dưới 10%. Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo được các chỉ tiêu đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa.

Cũng theo ông Lương, tính đến nay, tăng tín dụng của Vietcombank đã đạt gần 10%, với tỷ lệ đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2014, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng sẽ đạt khoảng 16%.

Còn bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng nhấn mạnh: VietinBank hoàn toàn đồng thuận và sẽ triển khai ngay điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm từ 7,5%-8% xuống còn 7% và lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 10,5% xuống còn 10% để chia sẽ khó khăn cho doanh nghiệp.

"Với mức giảm như vậy, chắc chắn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ giảm nhưng chúng tôi sẵn sàng tiết giảm chi phí thường xuyên để đạt mục tiêu lợi nhuận và chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp," bà Ý chia sẻ thêm. Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của ViettinBank đã đạt được 6,5%, mục tiêu đến hết năm sẽ tăng 14-15%.

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn còn cao, đại diện của VietinBank cho biết, hiện chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra của ngân hàng chỉ xoay quanh từ 2-2,5%.

Lãnh đạo Ngân hàng này lý giải, với phần huy động tiền gửi, khi huy động được 10 đồng thì không thể sử dụng được hết để cho vay mà phải để dành dự trữ, trích lập rủi ro, chi phí hoạt động…

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về việc lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức từ 10-12% là cao, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lãi suất cho vay trung dài hạn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế vĩ mô, không chỉ phụ thuộc trong nước mà còn thị trường thế giới. Việc huy động của các tổ chức tín dụng đã cải thiện nhiều, cân đối vốn tốt hơn. Tuy nhiên trần lãi suất cho vay trung dài hạn phụ thuộc vào các ngân hàng, trước mắt các ngân hàng thương mại lớn sẽ đi đầu ủng hộ và chia sẻ đối với doanh nghiệp.

Trong những tháng cuối năm 2014, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014 và theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN theo dõi sát thị trường, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá. Tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đẩy mạnh triển khai việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngọc Quyết - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam