Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời phỏng vấn chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”

Nội dung bài trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 8/6/2014.
Phóng viên:Câu hỏi đầu tiên là của một người dân đang quan tâm tới thị trường vàng và ngoại hối: “Thưa Thống đốc, tôi muốn hỏi Thống đốc là thị trường vàng và ngoại hối biến động trong mấy tuần gần đây có phải xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta hay không? Tại sao mấy ngày hôm nay giá USD cứ xấp xỉ ở mức kịch trần. Thống đốc đã từng tuyên bố là biên độ tỷ giá của đồng USD năm nay chỉ ở mức xấp xỉ trên dưới 2%. Với động thái bất ngờ này của Trung Quốc thì Thống đốc có giữ được đúng cam kết của mình trước đó hay không là giữ biên độ tỷ giá trên dưới 2%?
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của đất nước ta thì tâm lý của người dân phần nào cũng đã ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và thị trường vàng, đặc biệt là trong những ngày đầu. Thế nhưng, sau khi có những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước thì tâm lý đó của người dân đã nhanh chóng được khắc phục. Điều đó thể hiện trên toàn hệ thống ngân hàng, tiền gửi bằng ngoại tệ của người dân không tăng mà thậm chí vẫn tiếp tục giảm, tiền gửi bằng đồng Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên.
 
Trong những ngày vừa qua, tỷ giá cũng có điều chỉnh tăng, có những thời điểm đã sát với trần quy định của NHNN. Ngoài yếu tố tâm lý, chủ yếu là do sự kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Chúng ta cũng thấy rằng, năm nay NHNN chủ trương sẽ giữ ổn định tỷ giá và nếu cần phải điều chỉnh thì không quá 2%. Đến 6 tháng vừa qua thì đã là nửa năm rồi mà chúng ta chưa tiến hành điều chỉnh tỷ giá và tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định. Do vậy, trong xã hội cũng có kỳ vọng sẽ có điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, phân tích thị trường cung cầu và cục diện kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì thấy rằng hiện nay quan hệ cung cầu vẫn được đảm bảo.
 
Qua 6 tháng đầu năm, Việt Nam có xuất siêu, cán cân vãng lai vẫn thặng dư và cán cân thanh toán thì thặng dư ở mức lớn (trên 10 tỷ USD). Và cũng trong 6 tháng đầu năm vừa rồi, NHNN vẫn mua tiếp tục được 10 tỷ USD. Phân tích cho cả năm, năm nay cung cầu ngoại tệ vẫn hết sức dồi dào.
Trước bối cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng điều kiện khách quan để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có. Tuy nhiên, để có thể khuyến khích xuất khẩu, để cho giá trị đồng Việt Nam không bị đánh giá quá cao thì việc nhà điều hành (cụ thể là NHNN) có thể xem xét việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp thì cũng là việc xã hội hết sức quan tâm. Từ đó, có thể khẳng định rằng, tỷ giá lên trong những ngày vừa qua thì chỉ là một phần nhỏ do tâm lý từ sự kiện biển Đông, còn chủ yếu là do kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của thị trường. Thế nhưng, trên cơ sở phân tích kinh tế vĩ mô và năng lực điều hành của NHNN, chúng tôi vẫn cam kết rằng thị trường ngoại hối của chúng ta vẫn tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm. Và nếu có điều chỉnh, NHNN sẽ chủ động điều chỉnh và mức điều chỉnh sẽ không quá 2%.
 
Phóng viên:Tôi tin là những cam kết của Thống đốc sẽ khiến cho người dân cảm thấy yên tâm hơn, bởi vì thực tế đã chứng minh thời gian qua, tất cả những tuyên bố của Thống đốc được đưa ra về ổn định tỷ giá, hạ dần lãi suất, hay là xốc lại hệ thống ngân hàng đều được thực hiện một cách rất là tốt, thậm chí còn tốt hơn lời tuyên bố. Nhưng có một điều tôi muốn hỏi Thống đốc, vào đúng thời điểm này của năm ngoái, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, ông là người có số phiếu tín nhiệm không cao. Ông cảm thấy thế nào với những người đã đánh giá thấp, đã phản đối, thậm chí là chỉ trích ông hay không?
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Sau khi Quốc hội có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng đúng vào thời gian ngành Ngân hàng tiến hành sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của năm ngoái. Tại Hội nghị này, toàn thể CBCNV của ngành Ngân hàng đã quán triệt: chúng tôi rất trân trọng kết quả bỏ phiếu đó của Quốc hội. Và từ kết quả bỏ phiếu đó của Quốc hội, toàn ngành thấy rằng thời gian qua mình đã cố gắng, nhưng thời gian tới mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Mình phải cố gắng, nỗ lực để làm tốt hơn nữa cho xứng đáng với các cử tri, với đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm mình, vì số tín nhiệm vẫn là đa số.
 
Thứ hai, mình phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa để cho các cử tri, đại biểu Quốc hội chưa tín nhiệm mình thì sẽ trở nên tín nhiệm mình.
Đến nay, kết quả ban đầu mà chúng tôi đạt được đã góp phần nhỏ bé vào thành tựu chung của nền kinh tế. Chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc rằng, xã hội nói chung, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội cũng đã có cái nhìn nhận tốt hơn, chia sẻ nhiều hơn, thông cảm và ủng hộ nhiều hơn đối với ngành Ngân hàng.
 
Còn đối với cá nhân, tôi không có lúc nào và cũng không bao giờ lo rằng lòng dân hẹp, mà chỉ sợ mình không đủ đức, đủ tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Công việc mình làm nếu mang lại lợi ích thiết thực cho dân, cho nước thì lòng dân nhất định sẽ mở với mình.
 
Phóng viên: Xin quay trở về với mối quan tâm của hàng vạn ngư dân. Một khán giả đã viết thư như thế này: “Thưa Thống đốc, là một ngư dân, tôi vô cùng căm phẫn trước hành động vô nhân đạo của Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá ở Đà Nẵng. Vì thế mà tôi lại càng trông đợi nhiều hơn vào gói 10.000 tỷ đồng mà Chính phủ tuyên bố hỗ trợ chúng tôi. Nhưng mà tôi cũng có nhiều băn khoăn lắm. Tôi nhớ là vào năm 1997-2006 thì cũng có một gói hỗ trợ giống như thế này rồi. Tôi là ngư dân mà chả được vay và nghe nói gói tín dụng ấy có nợ xấu lên tới 80-90%. Thống đốc cho tôi hỏi là liệu gói 10.000 tỷ này, tôi là ngư dân thì nó sẽ hỗ trợ được gì cho tôi và liệu nó có thất bại như là gói tín dụng trước đó hay không?”
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đúng là trước đây một số năm, chúng ta cũng đã có một chương trình cho vay đánh bắt xa bờ. Đến nay, tổng kết lại chương trình này, nếu đứng dưới góc độ tín dụng trực tiếp ngân hàng thì có thể là một chương trình không thành công. Bởi vì, chúng ta cũng đã thấy, nợ quá hạn, nợ xấu, nợ cần phải khoanh, nợ cần phải xóa chiếm một tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ kinh tế xã hội thì chương trình này cũng có những mặt tích cực rất to lớn. Chính nhờ chương trình này mà hiện nay chúng ta mới có được một đội tàu đánh bắt xa bờ tương đối lớn, giúp cho ngư dân của ta có thể bươn chải ra các vùng biển xa, đặc biệt là các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Không những nó giúp bảo vệ chủ quyền và thực hiện quyền chủ quyền của đất nước mà còn giúp nâng cao thêm năng lực đánh bắt xa bờ một cách đáng kể đối với ngư dân của Việt Nam, từ đó cũng khẳng định được tiềm năng đánh bắt xa bờ của đất nước chúng ta và cũng mở ra một hướng là chúng ta phải có những định hướng to lớn hơn nữa trong vấn đề đánh bắt xa bờ này.
 
Đối với chương trình tín dụng sắp tới mà chúng tôi dự kiến thì chính là làm sao có thể khắc phục được những mặt yếu kém của chương trình cũ và giúp đạt được cái định hướng tái cơ cấu ngành đánh bắt xa bờ của Việt Nam trong tổng thể tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam.
 
Phóng viên:Cũng liên quan tới gói tín dụng dành cho ngư dân 10 ngàn tỷ đồng thì một ngư dân đã viết thư như thế này: “Thưa Thống đốc, tôi dành dụm vốn cả đời vào việc đóng một con tàu gỗ. bây giờ thì vốn của tôi đã cạn, con tàu của chúng tôi thì chưa đủ tiền để hoàn thành. Liệu tôi có được vay thêm ít tiền trong cái gói 10 ngàn tỷ đồng này hay không?” Tôi cũng muốn hỏi thêm, với một số ngư dân đã có tàu, họ muốn hoán cải để có thể chắc chắn hơn khi đánh bắt xa bờ thì họ có thể được vay ưu đãi trong gói tín dụng này hay không?
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Cái gói 10 nghìn tỷ đồng này nội dung chủ yếu là để có tiềm năng đóng các con tàu sắt to lớn hơn, vững chãi hơn để cho ngư dân của chúng ta có thể vươn xa bám biển được dài ngày hơn và hoạt động đánh bắt xa bờ được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để thực hiện một chương trình như vậy đòi hỏi phải có thời gian, trong khi vẫn phải duy trì năng lực sản xuất, năng lực đánh bắt xa bờ của ngư dân. Do vậy, sẽ một phần trong gói tín dụng vẫn để hỗ trợ cho ngư dân trong việc hoán cải các con tàu hiện nay cũng như sửa chữa, nâng cấp các con tàu hiện nay.
 
Phóng viên:Một doanh nghiệp quan tâm tới chương trình vay ưu đãi hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn có hỏi: “Thưa Thống đốc, tôi xem tivi thì thấy Thống đốc ký giải ngân cho 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp với mức lãi suất tối đa là chỉ từ 7% cho ngắn hạn và hơn 10% cho dài hạn. Tôi thì cũng muốn vay. Tôi xin hỏi là điều kiện nào thì sẽ được vay và Thống đốc có chắc chắn là mô hình này sẽ thành công hay không?”.
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trong thời gian vừa qua, trong đất nước chúng ta xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm. Và theo sơ bộ đánh giá của các cơ quan chức năng thì đây là mô hình hết sức hiệu quả và cũng sẽ là mô hình làm trụ cột cho tái cấu trúc nông nghiệp của đất nước. Mô hình này đòi hỏi phải có sự tham gia của các hợp tác xã hoặc là các doanh nghiệp. Các hợp tác xã và các doanh nghiệp sẽ làm đầu mối để liên kết tất cả các công đoạn trong quy trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu sản xuất cho đến khâu chế biến tiêu thụ, từ khâu liên kết các hộ gia đình trong cái chuỗi sản phẩm đó cho đến khâu chế biến và tìm thị trường tiêu thụ. Do vậy, tất cả các mô hình sản xuất nào, tất cả các hợp tác xã nào và các doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí đó thì đều có quyền tiếp cận các khoản vay đó của ngân hàng.
 
Chúng tôi cho rằng, chương trình thí điểm này nhất định sẽ thành công. Trên cơ sở kết quả của chương trình thí điểm, chúng tôi sẽ thể chế hóa tạo thành cơ sở pháp lý nhân rộng ra trong toàn quốc để đáp ứng nhu cầu tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp của đất nước theo tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Phóng viên:Xin cảm ơn Thống đốc!