Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất

Ngày 28/10/2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thường kỳ thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Tham dự buổi hợp báo có đại diện các đơn vị liên quan của NHNN cùng đông đảo các phóng viên của các cơ quan báo chí.
Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD với một số ngành kinh tế ưu tiên từ 8%/ năm xuống 7%/ năm. Tại buổi họp báo, 4 NHTM Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) cùng đồng thuận với lời kêu gọi của Thống đốc và cam kết hạ lãi suất cho vay trung, dài hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 10%/ năm bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 7%/năm như quyết định của NHNN.

Trả lời báo chí về việc các NHTM khác có đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nói trên không, Phó Thống đốc cho hay, các NHTM sẽ tự cân đối hài hòa lợi ích, dựa trên tình hình tài chính của mình, đồng thời đảm bảo hiệu quả đồng vốn cũng như đóng góp vào ngân sách...trên cơ sở phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và quốc tế để có sự cân nhắc giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/ 2014

Về tình hình thị trường tiền tệ 10 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Hà - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, đến ngày 24/10/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.

Đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết, sau khi điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN vào tháng 3/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực giảm; đến ngày 9/10/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

Đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá và thị trường về cơ bản ổn định nhờ các giải pháp điều hành nhất quán, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và công tác truyền thông. Sau khi điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân thị trường liên ngân hàng vào ngày 19/6/2014, tỷ giá thị trường liên ngân hàng dần ổn định ở mặt bằng mới, thanh khoản thị trường ngoại hối khá tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân đều được TCTD đáp ứng đầy đủ và kịp thời.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết kết quả cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, cụ thể: Dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội) đến cuối tháng 10/2014 ước đạt 722.380 tỷ đồng, tăng khoảng 7,5% so với 31/12/2013; Tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (đến 31/8/2014): Dư nợ cho vay xuất khẩu tăng khoảng 4,14%; dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15,78%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ tăng 6,06%; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,81% so với cuối năm 2013.

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cũng thông tin về kết quả một số chương trình tín dụng khác như: chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay phục vụ tái canh cây cà phê...

Về kết quả cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, đến 15/10/2014, có 8.900 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt 7.164 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 24% tổng số tiền cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, tăng 3,8 lần so với 31/12/2013; giải ngân theo tiến độ đạt 3.620,4 tỷ đồng, trong đó: Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân: có 8.871 khách hàng cá nhân được ký hợp đồng tín dụng từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.738 tỷ đồng, giải ngân theo tiến độ đạt 2.358,5 tỷ đồng; Đối với khách hàng doanh nghiệp, NHNN đã xác nhận đăng ký của các NHTMNN được ký hợp đồng tín dụng với 29 doanh nghiệp (32 dự án) với tổng số tiền cam kết giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN là 3.426 tỷ, chiếm tỷ trọng 38% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp; giải ngân theo tiến độ đạt 1.262 tỷ.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết, VAMC đã, đang và sẽ nỗ lực với nhiều giải pháp để phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% vào năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2014, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. NHNN quyết định giữ ổn định các mức lãi suất điều hành (gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng); từ ngày 29/10/2014, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 1%/năm xuống 0,75%/năm. Đồng thời, NHNN theo dõi sát thị trường, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá. Về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc nhấn mạnh, phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Đẩy mạnh triển khai việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
 
Thanh Hà - theo Website NHNN