Hợp tác triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà
Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) đã giao BIDV cùng 7 ngân hàng triển khai sản phẩm tín dụng
liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng hiệu quả, đúng mục đích,
khôi phục niềm tin trên thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp, giảm bớt tồn kho VLXD và BĐS.
Trong những năm qua, trước khó
khăn nội tại của nền kinh tế cùng với tác động của cuộc khủng hoảng,
suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế trong nước,
đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Trước những khó khăn của nền kinh tế
nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ đã ban hành
Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn
cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
NHNN và Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai chương trình
hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có
diện tích nhỏ, giá thấp cho một số đối tượng. Những chính sách của Chính
phủ bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên thị trường vẫn
gặp khó khăn.
NHNN nhận thấy để thúc
đẩy việc triển khai rộng rãi sản phẩm liên kết 4 nhà cần có sự hợp tác
giữa các ngân hàng cùng tham gia tài trợ một chuỗi liên kết, bao gồm
ngân hàng phục vụ chủ đầu tư, ngân hàng phục vụ nhà thầu, ngân hàng phục
vụ nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Vì vậy, NHNN đã giao BIDV cùng 7
ngân hàng triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát
dòng vốn tín dụng hiệu quả, đúng mục đích, khôi phục niềm tin trên thị
trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho
VLXD và BĐS.
Để triển khai sản phẩm liên kết 4 nhà NHNN thực hiện vai
trò khuyến khích, định hướng và theo dõi việc tuân thủ các cam kết, đảm
bảo nguyên tắc các ngân hàng tham gia chuỗi liên kết bình đẳng về vai
trò, tự nguyện tham gia và thống nhất về quyền lợi, nghĩa vụ. Đồng thời,
đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo
cơ chế đấu thầu hiện hành nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả trong
hoạt động xây dựng cơ bản.
Việc triển khai sản phẩm liên kết 4 nhà có ý nghĩa kinh tế rất lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay:
-
Thứ nhất, khơi thông dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp đang có nợ quá hạn vẫn có thể vay được vốn cho
các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục triển khai, hạn chế tình
trạng đầu tư dang dở, lãng phí; triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm
bảo chất lượng công trình.
- Thứ hai, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng.
-
Thứ ba, góp phần giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng, nâng cao chất
lượng tín dụng. Nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông
dòng vốn trong nền kinh tế và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của các
ngân hàng thương mại. Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
của ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Việc cấp tín dụng theo
chuỗi liến kết sẽ tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín
dụng trong việc kiểm soát dòng tiền; đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng
mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân
hàng.
- Thứ tư, khôi phục, củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín
nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết; nâng
cao tính công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, góp
phần chống thất thoát lãng phí, tiêu cực.
Cấp tín dụng theo chuỗi
liên kết 4 nhà là một loại hình sản phẩm tín dụng mới có rất nhiều lợi
ích đối với các bên, kể cả ngân hàng cho vay, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà
cung cấp, người sử dụng cuối cùng và nền kinh tế nói chung. Việc BIDV
cùng 7 ngân hàng bao gồm: Agribank, Vietinbank, VCB, VNCB, SHB, LVPB và
MHB tiên phong triển khai thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà thể
hiện quyết tâm của 8 ngân hàng trong việc hợp tác triển khai sản phẩm
tín dụng mới hiệu quả, có độ an toàn cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu.
Do đây là sản phẩm mang
tính chất thí điểm nên quá trình triển khai chắc chắn sẽ có nhiều khó
khăn phát sinh. NHNN luôn sát cánh cùng các ngân hàng tháo gỡ kịp thời
các vướng mắc, khó khăn phát sinh nhằm hoàn thiện sản phẩm mới góp phần
thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị
quyết của Chính phủ và Quốc hội.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam)