Điều hành tín dụng ngoại tệ: Linh hoạt và hợp lý
“Trên thực tế, nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác
và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ/tổng vốn huy động
chỉ khoảng từ 50-60%” - Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền
tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định.
Phóng viên (PV):Có phải NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chung trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?
Phóng viên (PV): Có ý kiến lo ngại rằng tín dụng ngoại tệ tăng mạnh có thể sẽ là “bom nổ chậm”, ý kiến bà thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Ý kiến quan ngại về tăng tín dụng ngoại tệ chủ yếu là do nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 5/2014 là 9,35% so với cuối năm 2013 và hệ số sử dụng vốn hệ thống các TCTD (tín dụng ngoại tệ/huy động ngoại tệ trong nước) lên tới 99,5%. Tuy nhiên, trên thực tế cũng không đáng quan ngại và vẫn nằm trong các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN. Có thể thấy rõ trên ba điểm sau đây:
Thứ nhất, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ tăng có 1,34%;
Thứ hai, nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài (các khoản vay nước ngoài, các khoản tiền gửi của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng trong nước, các khoản cấp tín dụng của ngân hàng mẹ ở nước ngoài cho chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các khoản ủy thác bằng ngoại tệ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức khác để các ngân hàng cho vay ngoại tệ trong nước) thì hệ số sử dụng vốn này thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng từ 50-60%;
Thứ ba, việc linh hoạt chấp thuận cho các ngân hàng cấp tín dụng ngoại tệ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ (doanh nghiệp vay để thanh toán các chi phí trong nước thực hiện các phương án sản xuất hàng xuất khẩu, nên khi xuất khẩu sẽ có nguồn thu ngoại tệ; doanh nghiệp vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhưng doanh nghiệp có đủ nguồn thu bằng ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay). Theo đó, khi các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay sẽ không tạo áp lực tới việc các ngân hàng phải bán ngoại tệ để trả nợ vay. Đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Khi cho vay, bản thân các ngân hàng đã chủ động cân đối được nguồn ngoại tệ cho vay cũng như nguồn ngoại tệ bán cho doanh nghiệp để trả nợ vay (nguồn vốn cân đối chủ yếu từ nguồn vốn ở nước ngoài, từ ngân hàng mẹ ở nước ngoài hoặc từ các nguồn vốn ủy thác bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính quốc tế hoặc Chính phủ).
Như vậy, có thể nói việc điều hành chính sách tín dụng nói chung và tín dụng ngoại tệ nói riêng thời gian qua đã hết sức linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các nhu cầu vốn, chủ yếu là cho các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tín dụng, đặc biệt là tín dụng VND để có những điều chỉnh phù hợp. Mặc dù linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa trong nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các biện pháp, công cụ điều hành để đạt được mục tiêu nêu trên.
Theo Trí Dũng