Hội thảo Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL (3/5/2012)

Trong khuôn khổ Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 28/4/2012 tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL”.
Hội thảo do Đ/c Nguyễn Văn Bình - Thống đốc NHNN, Đ/c Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Đ/c Trần Thanh Mẫn - Bí thư Thành ủy Cần Thơ và̀ Đ/c Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN đồng chủ trì. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài ngành Ngân hàng tới tham dự và thảo luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sau hơn 25 năm thực hiện đổi mới, hệ thống Ngân hàng đã cung cấp một khối lượng vốn to lớn cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và góp phần thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước. Sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã có đóng góp rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của nền kinh tế; chính sách tín dụng ngân hàng có thể được xem như giải pháp cơ bản trong việc thúc đẩy và phát huy các nguồn lực để đầu tư hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.
 
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng đã tập trung vốn đáng kể cho vay lĩnh vực này. Trong 10 năm qua, vốn tín dụng dành cho nông nghiệp nông thôn luôn đảm bảo mức tăng trưởng cao; thậm chí, trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng như năm 2011 vừa qua, khoảng 15% - mức thấp nhất trong 10 năm, nhưng tín dụng cho nông nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức 30,64%. Đáng chú ý là, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các TCTD tập trung vốn và giảm chi phí cho vay đối với lĩnh vực này; đồng thời chỉ đạo các TCTD xây dựng các giải pháp hiệu quả, thiết thực để hoạt động cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả tốt nhất.
 
ĐBSCL là một vùng kinh tế nhiều tiềm năng và hấp dẫn của cả nước. Trong 10 năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng đã cung cấp một khối lượng vốn lớn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển vùng cũng như góp phần thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước, cụ thể là: Tổng dư nợ cho vay đối với các thành phần kinh tế trong vùng sau 10 năm đã tăng hơn 10 lần, đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn so với các vùng kinh tế khác trong cả nước; riêng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân 21%/năm; Điều này đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP của khu vực, bình quân khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu vốn tín dụng ngân hàng cũng đã tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh của vùng, đặc biệt là đối với các nhu cầu nâng cao quá trình cơ giới hoá và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế khu vực.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh: Tiềm năng của vùng ĐBSCL còn rất lớn, nhiều nhân tố và thế mạnh vẫn chưa được khai thác và phát huy, nhân rộng; hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh ngày càng gay gắt, khó khăn, vướng mắc là không tránh khỏi. Do vậy, thông qua Hội thảo này, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra một bức tranh bao quát nhưng cũng hết sức cụ thể về kinh tế vùng ĐBSCL, tiềm lực và thế mạnh, xu thế và nhu cầu, những khó khăn, tồn tại cần khắc phục, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển thị trường tín dụng có ý nghĩa thực tiễn cao, nhằm mở rộng hơn nữa các thành phần, đối tượng tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, nhất là các lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh của ĐBSCL. Trên cơ sở đó NHNN cũng như các ngân hàng thương mại có thể đưa ra các chính sách phù hợp nhằm tập trung nguồn vốn và cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
                                                             
Phát biểu tham luân tại Hội thảo, Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đánh giá rất cao tiềm năng phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, vai trò của tín dụng trong nông nghiệp và cho rằng ĐBSCL cần phải nâng tổng nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp tính theo tổng nguồn vốn trên thị trường tiền tệ (tối thiểu bằng tỷ trọng của nông nghiệp trong tổng GDP) để tương xứng với những đóng góp của nông nghiệp, khuyến khích cho vay với các doanh nghiệp tham gia vào mối liên kết sản xuất – chế biến – tiêu dùng.
 
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, việc cần thiết trước mắt là cần nâng cấp một số ngân hàng tương xứng với sự phát triển của ĐBSCL. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm nông  nghiệp vì quyền lợi của người nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng.
 
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng chính sách rất quan trọng, không riêng ngành ngân hàng, không riêng cho ĐBSCL. Bởi vì nếu chính sách không phù hợp, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, dẫn đến méo mó giá cả hàng hóa thì chính sự méo mó này đánh vào người nông dân. Do vậy, phát triển không chỉ là tỷ trọng, giá trị gia tăng mà còn là cách sống, lối sống và cách phát triển.
 
Đồng tình với quan điểm của Tiến sỹ Võ Trí Thành, Giáo sư –Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM, bổ sung ý kiến cho rằng Chính phủ phải có giải pháp chuyển dịch nguồn vốn về ĐBSCL, tăng cường đầu tư cho công nghệ giống cây trồng và hỗ trợ tìm kiếm thị trường nông sản. Nếu có gói hỗ trợ kinh tế, nên dành cho nông nghiệp, nông thôn.
              
Nhìn chung, các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhấn mạnh về các giải pháp ưu tiên vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn tại ĐBSCL, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thực hiện phát triển nông thủy sản theo tiêu chuẩn GAP, VietGap, đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.
 
Đại diện cho các ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, hiện nay thị phần tín dụng của Agribank cho nông dân tại ĐBSCL khoảng 50%, với mạng lưới rộng khắp trong khu vực với  160 chi nhánh, 155 phòng giao dịch. Dư nợ tín dụng tại khu vực đến cuối năm 2011 khoảng 64.755 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp khu vực khoảng 18-20%, hạ tỷ lệ lãi suất cho vay xuống còn 15%/năm đối với những khách hàng có uy tín, 14-15%/năm  đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Agribank cũng sẽ áp dụng các biện pháp cho vay phù hợp với từng địa bàn, cơ cấu lại nợ đối với các doanh nghiệp và hộ dân gặp khó, thường xuyên tổ chức các hội nghị khách hàng tại các huyện, tiến hành đánh giá toàn bộ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu để hỗ trợ vốn cho phù hợp.
 
Một số các ngân hàng lớn khác có  mạng lưới hoạt động rộng tại khu vực ĐBSCL như Vietinbank, Vietcombank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt… cũng cam kết tăng tín dụng cho vay đối với khu vực, có những chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay phục vụ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, trong năm 2012 sẽ dành 200 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm cho hộ nông dân vùng ĐBSCL tiếp tục vay vốn giai đoạn 2 sau khi đã trả gốc và lãi đúng hạn ở giai đoạn 1 thuộc chương trình Tam nông của ngân hàng này. Cũng trong khuôn khổ chương trình, trong năm 2012, ngân hàng sẽ dành ra gói tín dụng 6.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, và tiếp tục giảm 1% lãi suất khi khách hàng trả gốc và lãi đúng hạn.  Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cam kết dành nhiều nguồn lực cho ĐBSCLvà cho vay đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực đối với khu vực nông nghiệp - nông thôn.
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình một lần nữa khẳng định phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh ĐBSCL sẽ là lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thống đốc cũng chỉ rõ, nguồn vốn của các ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ tập trung đủ nhu cầu vốn cho những dự án, chương trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhưng  đồng thời cũng sẽ rất hạn chế đáp ứng nhu cầu về vốn cho những dự án hoạt động không hiệu quả.
 
Sắp tới, NHNN  sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách, dành những khoản vay ưu đãi cho phát triển công nghệ, xây dựng các nhà máy chế biến... để tạo điều kiện cho bà con nông dân ĐBSCL làm giàu trên quê hương mình, xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm theo chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra.
 
Thanh Hà - theo website NHNN