Hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL (26/4/2012)

Trong nhiều năm qua, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (giai đoạn 2001-2010), hệ thống ngân hàng có những đóng góp hết sức quan trọng. Một mạng lưới phát triển rộng khắp ngân hàng với 318 điểm giao dịch của 47 tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang đầu tư một lượng vốn lớn cho tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội trong vùng.
ĐBSCL gồm 13 tỉnh thành với 4 triệu ha đất tự nhiên, trong đó có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp có điều kiện địa lý để phát triển sản xuất nông nghiệp, là một trong những vùng có lợi thế so sánh tốt nhất ở Việt Nam. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 27% của cả nước, nhưng ĐBSCL chiếm 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 50% sản lượng thủy sản của cả nước. Do có lợi thế về quy mô sản xuất và tập quán sản xuất hàng hóa nên ĐBSCL là vùng xuất khẩu chiếm 62% kim ngạch xuất khẩu lúa gạo và 85% xuất khẩu cá da trơn của cả nước. ĐBSCL là một trong sáu vùng kinh tế của Việt Nam, là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất lương thực và thực phẩm của cả nước, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và thủy sản, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
 
Hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL (26/4/2012) 
Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 22% GDP của cả nước

Với vị trí và lợi thế đó, ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông qua các cơ chế, chính sách thích hợp.  Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 20/01/2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg về phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2005, Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2010…

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ý thức được vai trò nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong phát triển kinh tế đất nước, NHNN Việt Nam luôn có chủ trương ưu tiên hàng đầu cho tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung, trong đó có tín dụng cho phát triển kinh vùng ĐBSCL. Chủ trương này đã được thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách trong hoạt động tiền tệ ngân hàng và được các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa vào cuộc sống một cách sinh động và hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL. Mạng lưới 318 điểm giao dịch của 47 tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang đầu tư một lượng vốn lớn cho tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội trong vùng. Tổng dư nợ sau 10 năm đã tăng hơn 10 lần đạt gần 250 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn với các vùng kinh tế khác nhau trong cả nước. Cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân 21%/năm.
 
Hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL (26/4/2012) 
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

NHNN chỉ đạo các TCTD, nhất là các NHTM Nhà nước tập trung vốn cho vay thu mua lương thực với doanh số hàng chục ngàn tỷ đồng, dư nợ cuối năm 2011 đạt 16.271 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2010, 2011 thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo với lãi suất ưu đãi, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các NHTMNN tập trung cho vay tạm trữ lúa gạo khoảng 1 triêu tấn/năm nhằm hỗ trợ người nông dân không bị ép giá, rớt giá khi được mùa...

Vốn tín dụng ngân hàng còn được tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh và có tiềm năng lớn của vùng; đầu tư cho các dự án trọng điểm, các công trình kinh tế lớn; nhiều con đường, cây cầu, cảng hàng không hiện đại đã và đang hoàn thành, giúp cho việc thông thương giữa các tỉnh, thành phố được thuận lợi, hệ thống thủy lợi, cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập sâu và xây dựng phát triển đô thị được quan tâm đầu tư, nhà máy điện gió Bạc Liêu….đã và đang đi vào khai thác, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế khu vực. Bên cạnh tín dụng, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân trong vùng.

Trong những năm gần đây, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải chủ động đàm phán ký kết một số hiệp định vay vốn theo chương trình của Chính phủ với các tổ chức tài chính quốc tế, tạo lập nguồn vốn lớn với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư nhiều dự án lớn phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông,  năng lượng cho phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Điển hình như: dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận 19.500 tỷ;  dự án Cầu Cần Thơ gần 5000 tỷ đồng; dự án cảng hàng không Phú Quốc 8000 tỷ ;  3 dự án lớn về điện là dự án điện gió Bạc Liêu 4.500 tỷ đồng, dự án cụm khí điện đạm Cà Mau với tổng mức đầu tư dự kiến khi thực hiện xong lên tới 2 tỷ USD; dự án nhiệt điện Ô  Môn 6.666 tỷ đồng...

Tuy vậy, một trong những khó khăn lớn nhất của hoạt động ngân hàng trên địa bàn là thiếu nguồn vốn. Để khắc phục khó khăn này, các TCTD đã sử dụng đa dạng các hình thức huy động vốn, đẩy mạnh khả năng huy động vốn tại chỗ, nâng cao các dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các hộ gia đình tại địa phương. Nếu như năm 2001, các TCTD thuộc khu vực ĐBSCL chỉ huy động được 9.402 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 4,04% tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế) thì sau 10 năm, vốn huy động các TCTD thuộc khu vực ĐBSCL đã đạt 167.511 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,08% tổng vốn huy động), tăng gấp 18 lần so với năm 2001.

Tiềm năng của khu vực ĐBSCL là rất lớn, đây cũng là một vùng kinh tế trọng điểm, thu hút các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn vốn, cung cấp sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy liên kết để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
 
Thanh Hà - theo website NHNN