Giá vàng chấm dứt chuỗi sáu tuần giảm giá liên tiếp (14/1/2013)

Sau 6 tuần đi xuống liên tiếp (chuỗi giảm giá dài nhất của vàng kể từ tháng 6/1999), giá vàng tuần qua đã "quay đầu" trở lại với mức tăng khiêm tốn 0,2%, chủ yếu nhờ "mãi lực" ở khu vực châu Á.
Giá vàng đã được đẩy lên thị trường châu Á ngay trong phiên đầu tuần 7/1, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng vào cuối tuần trước (1.626 USD/ounce), do giới đầu tư tranh thủ mua vào ở mức giá hấp dẫn này, đồng thời đây cũng là thời điểm mà thông thường, nhu cầu vàng trang sức tại châu Á đang rất lớn.
 
Tuy nhiên, tại New York, giá vàng vẫn lại tiếp tục chìm sâu sau nhiều phiên sụt giảm liên tiếp trước đó do nhà đầu tư tiếp tục chịu áp lực trước những dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể dừng gói nới lỏng định lượng trong năm nay. 
 
Theo thông báo sau cuộc họp chính sách tháng 12/2012 của FED, một số quan chức hàng đầu của FED đã tính đến việc chấm dứt chương trình thu mua trái phiếu trong đợt nới lỏng định lượng lần thứ ba (QE3) trước tháng 12/2013 và thông tin này đã khiến thị trường vàng tuột dốc liên tục. Chốt phiên 7/1, cộng thêm hai phiên liên tiếp giảm giá trước đó, giá vàng đã mất tổng cộng 42,5 USD giá trị (tương đương 2,5%).
 
Giá vàng dập dình quanh mức 1.660 USD/ounce trong các phiên tiếp theo do nhà đầu tư còn chờ đợi quyết định về chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhu cầu vàng thực tế tại châu Á, đặc biệt là từ hai quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, đã góp phần hỗ trợ giá kim loại quý. Theo truyền thống, giá vàng thường có xu hướng mạnh lên do nhu cầu cao của Trung Quốc trong nửa sau của tháng 1/2013 - thời điểm sát Tết âm lịch.
 
Trong phiên 10/1, tin vui từ Trung Quốc đã giúp giá vàng "lội ngược dòng" đi lên và đã có lúc trong phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.660,85 USD/ounce. Theo thống kê chính thức, thặng dư thương mại của Trung Quốc năm 2012 tăng 48,1% lên 231,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 7,9% lên 2.050 tỷ USD, nhập khẩu tăng 4,3% lên 1.820 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, kim loại quý lại tiếp tục trở về xu hướng giảm ngay trong phiên tiếp theo, phiên cuối tuần ngày 11/1, sau thông tin lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 12/2012 tăng mạnh trở lại (lên mức cao nhất trong 7 tháng qua), đe dọa khả năng nới lỏng tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong phiên này, giá vàng tại New York đã giảm tới 0,9% giá trị so với phiên trước, xuống chốt tuần ở mức 1.659,87 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, vàng vẫn nhích được thêm 0,2%, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng ở khu vực châu Á.
 
Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã "bốc hơi" 1% sau khi giảm mạnh trong quý 4/2012 (là quý giảm mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây). Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Credit Suisse và Barclays đều dự báo rằng, những thống kê kinh tế khả quan của Trung Quốc và xu hướng mất giá của đồng USD sẽ mở đường để giá vàng phục hồi trong năm 2013 này.
 
Cũng trong tuần qua, nhà phân tích Li Ning, thuộc Shanghai CIFCO Futures, nhận định giá vàng có cơ hội phá mốc trên 1.800 USD/ounce, thậm chí vượt trên 1.900 USD/ounce trong nửa đầu năm 2013, nhờ đà phục hồi yếu của kinh tế Mỹ và chương trình nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, giá kim loại quý này có thể yếu đi vào nửa cuối năm, nếu kinh tế toàn cầu tạo được đà phục hồi vững và các biện pháp kích thích kinh tế bị thu hẹp.
 
Trong một xu hướng khác, vào ngày 8/1, Deutsche Bank đã hạ dự báo triển vọng giá vàng thế giới trong năm 2013 và 2014, với các mức giảm lần lượt là 12,1% và 5% xuống mức trung bình tương ứng là 1.856 USD/ounce và 1.900 USD/ounce.
 
Về tuần tới, theo các chuyên gia, một loạt thống kê kinh tế, gồm doanh số bán lẻ, giá tiêu dùng và hoạt động xây mới nhà ở, sẽ đem đến cho thị trường vàng một chất xúc tác mới.
 
Xuân Giang - theo Vietnamplus