Khoảng cách giá vàng trong nước - thế giới thu hẹp mạnh (11/1/2013)

Giá vàng thế giới bật tăng hơn 1% trong phiên giao dịch đêm qua tại New York nhưng giá vàng trong nước sáng nay chỉ tăng vài chục ngàn đồng mỗi lượng với cuối giờ chiều qua. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang có sự chuyển biến tích cực. 
Lúc 9h30 sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 45,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,1 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn 20.000 đồng/lượng so với mức giá vào cuối giờ chiều qua.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC lúc 9h30 theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý là 45,96 triệu đồng/lượng và 46,06 triệu đồng/lượng.

Giảm là xu hướng chính của giá vàng trong nước từ đầu tuần tới nay. Chiều qua, đã có thời điểm giá vàng giảm xuống dưới 46 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.

Giá vàng trong nước đang cho thấy những nỗ lực thu hẹp khoảng cách với giá vàng quốc tế, thể hiện qua việc tăng chậm hơn, nhưng giảm nhanh hơn giá quốc tế. Điều này trái ngược với xu hướng của mấy tháng gần đây, khi mà khoảng cách giá vàng trong nước - quốc tế liên tục bị kéo giãn, đỉnh điểm lên tới 5 triệu đồng/lượng vào tháng 12 vừa qua.

Trong phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay đóng cửa tăng 16,8 USD/oz, tương đương tăng hơn 1%, chốt phiên ở mức 1.675,8 USD/oz.

Vàng giảm giá nhẹ trong phiên sáng nay tại châu Á. Lúc 9h30 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.674 USD/oz, thấp hơn 1,8 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ.

Mức giá hiện tại của vàng thế giới quy đổi tương đương với khoảng 42,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 4 triệu đồng/lượng. Hôm qua, khoảng cách này là 4 triệu đồng/lượng. 

Theo một số nhà kinh doanh vàng, việc giá vàng trong nước đang thu hẹp khoảng cách với giá thế giới có thể là kết quả tác động từ một nghị quyết của Chính phủ. Trong Nghị quyết số 01/2013/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên và chính thức yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới được đặt ra tại nghị quyết của Chính phủ, sau khi tình trạng chênh giá cao và kéo dài trong thời gian qua.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay tăng 10 đồng so với hôm qua, lên mức 20.860-20.870 đồng (mua vào) và 20.890-20.900 đồng (bán ra).

Các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi giá niêm yết USD so với hôm qua. Vietcombank báo giá USD ở mức 20.820 đồng và 20.860 đồng, tương ứng giá mua và bán. Eximbank niêm yết giá ngoại tệ này ở mức 20.800 đồng và 20.860 đồng, giá mua không đổi, giá bán giảm 10 đồng so với hôm qua.

Trên thị trường quốc tế, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng Euro đã giúp đồng tiền này tăng giá, kéo giá vàng tăng theo trong phiên hôm qua. Đồng Euro đã tăng giá 1,6% so với USD, mức tăng mạnh nhất trong 1 ngày kể từ tháng 8 năm ngoái, trong khi chỉ số Dollar Index giảm gần 1%, mạnh nhất kể từ tháng 9.

Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với vàng vẫn còn đó khi hôm qua có thêm 2 quan chức khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tỏ ra không ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay, cho rằng chính sách này có thể tạo đà cho lạm phát. Khả năng FED sớm kết thúc các chương trình mua tài sản đang tạo ra trở ngại cho giá vàng, vì việc FED bơm tiền vào thị trường thông qua các chương trình này gây kỳ vọng lạm phát và đẩy giá vàng lên. Vàng luôn được xem là tài sản chống lạm phát hàng đầu.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức gần 1,33 USD/Euro, từ mức 1,3 USD/Euro vào sáng hôm qua.
 
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York lúc 9h30 giờ Việt Nam tăng 0,07 USD/thùng so với đóng cửa hôm qua, giao dịch ở mức 93,89 USD/thùng.
 
Bích Ngọc - theo Vneconomy