Phó Chủ tịch UBND TP HCM - bà Nguyễn Thị Hồng “Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn TPHCM” (21/12/2012)

Sáng ngày 21/12/2012 tại TP HCM, Agribank phối hợp với báo Sài Gòn giải phóng tổ chức Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TP.HCM” . Đến dự và chủ trì Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã có bài phát biểu khai mạc. Dưới đây là nội dung bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta chịu nhiều tác động, gặp nhiều khó khăn nhưng sự tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn tương đối ổn định, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. 
 
Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã thay đổi, nhất là sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Nhận thức tầm quan trọng của phát triển ngành nông nghiệp, TPHCM trong thời gian qua đã hết sức quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn và chăm lo đời sống của nông dân. Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã xác định chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố là một trong 6 chương trình đột phá giai đoạn 2011 - 2015; trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
 
Phó Chủ tịch UBND TP HCM - bà Nguyễn Thị Hồng “Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn TPHCM” (21/12/2012)
Nông dân trồng lan với công nghệ cao tại TPHCM

Nhìn chung, mặc dù tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong cơ cấu GDP của thành phố còn thấp (năm 2012 chiếm 1,2%) nhưng giá trị sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2012 ước đạt 3.789 tỷ đồng. Sự phát triển của lĩnh vực này những năm qua đã góp phần cho sự phát triển các ngành nghề sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn tăng trưởng ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội, tạo thu nhập và việc làm, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa tại các huyện ngoại thành thành phố.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những kết quả quan trọng trên là thành phố huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách thành phố và vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, thành phố đã chủ động ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 10-6-2011); thời gian qua đã hỗ trợ nguồn vốn với với lãi suất ưu đãi cho trên 4.000 hộ nông dân tại các quận, huyện ngoại thành với tổng dư nợ đạt 654 tỷ đồng. Chương trình đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển các vùng nuôi, trồng chuyên canh, có tác động lan tỏa rất lớn đối với sự phát triển nông nghiệp - nông thôn và nông dân theo đúng định hướng của Đảng.

Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn triển khai các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp - nông thôn, nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển bền vững. Đến nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 16.585 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2011, chiếm tỷ trọng 2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; trong đó chương trình tín dụng xây dựng mô hình nông thôn mới đạt 674 tỷ đồng. 

Tiếp nối những giải pháp cung ứng vốn phát triển nông nghiệp - nông thôn hiệu quả, sáng tạo trên, hôm nay 21-12, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phối hợp tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn thành phố”.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi biểu dương sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Agribank trong việc tổ chức hội thảo này; đánh giá cao sự cam kết của Agribank trong việc đồng hành cùng nông dân, thông qua các ký kết hợp tác tại hội thảo cũng như sự hỗ trợ cho thành phố số tiền 30 tỷ đồng trong năm 2013 để chung tay, góp sức chăm lo an sinh xã hội, công trình phúc lợi thành phố. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP HCM - bà Nguyễn Thị Hồng “Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn TPHCM” (21/12/2012)
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Để hội thảo đạt kết quả cao, tôi mong rằng các đại biểu sẽ đi sâu phân tích, hiến kế, đề xuất để tiếp tục mở rộng đối tượng, ngành nghề được vay vốn, giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình; tập trung các nội dung:

1. Làm thế nào để cung ứng vốn nhiều hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Agribank và các ngân hàng trên địa bàn sẽ tháo gỡ cơ chế ra sao để tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay phát triển hạ tầng nông thôn.

2. Thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ nông dân trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay.

3. Phân tích nguyên nhân vì sao tại địa bàn nông thôn, việc phát triển dịch vụ ngân hàng còn chưa tương xứng, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ nông dân tiếp cận được các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại.
 
Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đặc biệt là Agribank, là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi nghĩ mục đích, tôn chỉ khi được hình thành, Nhà nước đã xác định rõ đối tượng phục vụ. Do đó, tôi đề nghị:

Thứ nhất, tập trung nguồn vốn để đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng nông thôn; đầu tư mở rộng sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất tại khu vực này.

Thứ hai, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ nông dân, như cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ nông dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhằm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Thứ ba, có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ nông dân tiếp cận các dịch vụ tiện ích ngân hàng tiên tiến, giảm thiểu chi phí góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu mở rộng sản phẩm tín dụng liên kết mô hình 3 nhà: Nông dân - Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo chu trình khép kín về vốn, đảm bảo đáp ứng nhanh, kịp thời, góp phần đưa nông nghiệp nước ta tiến lên mô hình sản xuất hiện đại.

Thứ tư, thực hiện rà soát các cơ chế chính sách hiện hành, kiến nghị UBNDTP, NHNN Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ nông dân cho phù hợp tình hình thực tế tại địa bàn thành phố, góp phần đẩy nhanh việc cung ứng vốn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
Tôi tin tưởng rằng qua hội thảo, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp sẽ góp phần đưa ngành nông nghiệp thành phố phát triển toàn diện, theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả bền vững, xây dựng mô hình nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. 

                                                        
NGUYỄN THỊ HỒNG
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM