Diễn đàn ngân hàng 2019: Thách thức gia tăng

Áp lực tỷ giá, lãi suất

Đầu năm 2019, hàng loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung... làm cho dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở những quốc gia có nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có dòng vốn ngoại chảy vào, đó là nhờ có kinh tế vĩ mô ổn định, được thị trường đánh giá tốt.

Tuy vậy, theo chuyên gia Võ Trí Thành, vẫn còn thách thức cho NHNN trong thời gian tới. Hiện vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).


 
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Trong khi đó, áp lực lạm phát 2019 rất lớn, trong bối cảnh kiểm soát lạm phát sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và rất khó khăn sẽ gây áp lực tăng lãi suất. Liên quan đến khả năng chống chọi của nền kinh tế với bên ngoài, hiện dư địa chính sách tài khóa không còn nhiều, đòi hỏi phải có kịch bản phù hợp.

"NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ." - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng. NHNN "bơm, hút" đan xen tùy theo diễn biến về thanh khoản thị trường với mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Thách thức nợ xấu, tăng vốn

Theo các chuyên gia, nợ xấu đang được tích cực xử lý, nhưng vẫn còn cao, dù có Nghị quyết 42 nhưng vẫn còn vướng mắc. Trong những năm tới, Chính phủ và NHNN tiếp tục định hướng các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung vào công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, an toàn vốn cũng là vấn đề. “Vốn của chúng ta tăng trưởng không tương ứng với nền kinh tế, do đó, cần quan tâm tăng vốn cho NHTM” - chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét.

Nhìn chung, các ngân hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn để tăng vốn tự có trong suốt thời gian qua, do nguồn lực của các cổ đông trong nước bị giới hạn. Họ buộc phải tìm đến các cổ đông chiến lược nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn ở các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong hoàn cảnh đó, các ngân hàng phải tìm đến con đường phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá kỳ hạn dài để cải thiện vốn tự có cấp 2. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì theo quy định, vốn tự có cấp 2 cũng không được vượt quá 100% vốn cấp 1, trong khi giá trị các giấy tờ có giá để tính vốn tự có cũng sẽ bị chiết khấu dần theo kỳ hạn còn lại. Do đó, tăng vốn điều lệ mới là giải pháp bền vững và có tính căn cơ.

Tổng Giám đốc HSBC chia sẻ thêm, có 2 khía cạnh quan trọng thời gian tới cần đẩy mạnh khi tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đó là nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng (về rủi ro tín dụng, năng lực quản trị bản thân...) để bắt kịp các mô hình mới.

Bên cạnh đó, các NHTM cần phát triển theo hướng chuyển từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử; gia tăng xuất khẩu dịch vụ tài chính; thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực phi tài chính, nhiều rủi ro; cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế.