Cho vay tiêu dùng có còn là “gà đẻ trứng vàng”?
Tại đại hội cổ đông của VPBank mới đây, các cổ đông tỏ ra lo lắng về hoạt động của FE Credit (công ty tài chính tiêu dùng chiếm tỉ trọng lớn về doanh thu lợi nhuận của VPBank). Họ đặt câu hỏi về việc ngân hàng làm sao bù đắp phần thiếu hụt từ xu hướng chậm lại của mảng tín dụng tiêu dùng gần đây? Chưa kể, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó đề cập siết chặt cho vay tiền mặt liệu có ảnh hưởng đến Fe Credit?
Lãnh đạo VPBank cho biết những năm trước, FE Credit mới đi vào hoạt động phân khúc này chưa có nhiều đơn vị tham gia trong khi nhu cầu rất lớn nên FE Credit tăng trưởng rất nhanh. Gần đây có phần chậm lại do ngày càng có nhiều đơn vị tham gia hơn. Dù vậy, đến giờ cơ hội cho tăng trưởng mảng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn rất tốt. Tổng số khách hàng của FE Credit hiện gần 10 triệu người, trong đó gần 4 triệu khoản vay đang còn dư nợ nên tốc độ tăng trưởng có thể không cao như giai đoạn đầu nhưng số tuyệt đối vẫn rất tốt.
Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng nhưng miếng bánh thị phần đang chia nhỏ. Ảnh: NLĐ
Theo lãnh đạo VPBank, năm 2018, tín dụng tiêu dùng tiếp tục là 1 trọng 4 trụ cột kinh doanh của ngân hàng này, với quy mô cho vay tín chấp chiếm khoảng 35% tổng dư nợ cấp tín dụng, tăng gần 13.000 tỉ đồng so với năm trước. Báo cáo hoạt động kinh doanh của VPBank tại đại hội cổ đông vừa qua cho thấy, năm ngoái FE Credit đóng góp hơn 16.000 tỉ đồng (chiếm 52%) vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này.
Về dự thảo quy định của cơ quan quản lý theo hướng siết cho vay tiền mặt ở công ty tài chính, lãnh đạo VPBank cho hay ngân hàng đã xem xét tác động sơ bộ và xác định một số bước thực hiện trong trường hợp quy định mới được ban hành, bảo đảm kết quả kinh doanh khả quan của ngân hàng.
Tương tự, cổ đông của HDBank cũng băn khoăn về dự thảo quy định siết cho vay bằng tiền mặt của công ty tài chính và ảnh hưởng đến hoạt động của HD Saison (công ty con của ngân hàng này). Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc của HDBank, cho biết tỉ lệ dư nợ cho vay bằng tiền mặt trên tổng dư nợ của HD Saison hiện khoảng 35% và chỉ cho vay bằng tiền mặt đối với các khách hàng đã sử dụng dịch vụ, có lịch sử tín dụng tốt tại công ty chứ không cho vay tiền mặt đối với khách hàng mới.
Dù vậy, dự thảo hạn chế tỉ lệ cho vay tiền mặt với các công ty tài chính tiêu dùng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của HD Saison. Hiện ban lãnh đạo công ty đang đánh giá mức độ ảnh hưởng từ quy định mới trong dự thảo của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, vài năm nay, tín dụng tiêu dùng được ví là "gà đẻ trứng vàng" của công ty tài chính, ngân hàng. Ở một số ngân hàng, mức đóng góp của phân khúc cho vay tiêu dùng vào tổng lợi nhuận kinh doanh lên đến hàng ngàn tỉ đồng... Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường xuyên bị khách hàng than phiền vì lãi suất cho vay quá cao, việc nhắc nợ - đòi nợ bị buông lỏng, nhân viên đòi nợ thường xuyên gây phiên phức cho người vay và cả người thân của họ với thái độ không thân thiện, thậm chí có trường hợp không vay vẫn bị gọi điện nhắc nợ - đòi nợ...
Cũng theo các chuyên gia, ngoài việc siết hạn mức tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ hơn phân khúc cho vay tiêu dùng, sức ép cạnh tranh khiến miếng bánh cho vay tiêu dùng ngày càng chia nhỏ. Không chỉ FE Credit, Home Credit, HD Saison, nhiều cái tên khác cũng xuất hiện và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng như Easy Credit, SHB Finance, Viet Credit... Một số ngân hàng thương mại cũng đang xúc tiến lập công ty tài chính, gia nhập thị trường cho vay tiêu dùng vốn được đánh giá còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam.