Đầu tư "khủng" cho ngân hàng số, các nhà băng tính toán thế nào để hòa vốn?
Các fintech đổ hàng tỷ USD giành thị phần, ngân hàng buộc phải thức tỉnh để không bị bỏ lại
Các fintech và những tập đoàn lớn thời gian qua liên tục "đốt tiền" để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần thanh toán điện tử, cạnh tranh trực tiếp tới các ngân hàng. Theo số liệu thống kê, tổng đầu tư vào fintech khu vực trong năm 2018 đạt 16 tỷ USD, gấp đôi năm 2017, tính riêng tại Việt Nam cuối năm 2017 đã có 4,4 tỷ USD rót vào lĩnh vực này và dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020.
Không chỉ các fintech, những tập đoàn lớn với hệ sinh thái "khủng" cũng đã liên tục rót tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Năm ngoái, Vingroup đã rót 2.400 tỷ đồng thành lập công ty VinID và thông qua công ty này chính thức nhảy vào thị trường thanh toán điện tử. VinID mới đây cũng đã hoàn tất thủ tục mua cổ phần của People Care – đơn vị sở hữu ví điện tử MonPay và sau đó triển khai tính năng VinMart Scan & Go cho hệ thống siêu thị VinMart.
Có 67 fintech đang hoạt động tại Việt Nam với tổng đầu tư đạt 16 tỷ USD trong năm 2018
Tại diễn đàn Vietnam Venture Summit, bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa khu vực cho rằng sự xuất hiện của các ứng dụng nền tảng số như Grab, Uber, AbnB, Go Viet... đã thay đổi cách mua sắm, di chuyển và sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng. Điều này đã kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp fintech tạo ra nền tảng cổng thanh toán trên mobile.
"Chúng ta thấy đó là một vòng khép kín và đó không phải là một xu hướng bất thường tại riêng VN, các ngân hàng buộc phải thức tỉnh và hành động nhanh hơn để bắt kịp với xu hướng và nhu cầu khách hàng", bà Dung nhận xét.
Rõ ràng, trong khi các fintech, Bigtech không ngại rót tiền để đầu tư thì không lý gì các ngân hàng lại đứng ngoài sân chơi mà mình đang có nhiều lợi thế. Và trên thực tế, nhiều ngân hàng lớn trong những năm qua cũng đã nhanh chân đầu tư mạnh vào công nghệ, đặc biệt là ngân hàng số có thể kể đến Techcombank, VPBank, TPBank, Vietcombank, …
Đầu tư cho ngân hàng số, các nhà băng làm thế nào để hòa vốn?
Dẫu vậy, với những khoản đầu tư lớn cho ngân hàng số, có những nhà băng đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, câu hỏi đặt ra là làm thế nào và đến bao giờ có thể hòa vốn?
Tại tọa đàm về Ngân hàng số mới đây, theo TS. Cấn Văn Lực, đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ là một trong những thách thức lớn với các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, nếu đi đầu trong ngân hàng số, ngân hàng sẽ có cơ hội gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Trong khi đó, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số TPBank cho rằng, khi đầu tư vào công nghệ, ngân hàng số mà nói đến điểm hòa vốn thì khó, có những nguồn lợi không thể cân đo bằng tiền.
Bất kỳ việc đầu tư nào cũng sẽ xét đến gia tăng doanh thu và kiểm soát chi phí là 2 điều trực diện liên quan tới tài chính. 2 cái khác không thực sự liên quan đến tài chính nhưng cũng có thể cân đong đo đếm được đó là gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tính bảo mật.
Khi so sánh với mô hình truyền thống, ngân hàng số đem lại lợi gì? Ông Nam lấy ví dụ về việc huy động vốn, mô hình online hiệu quả gấp 6 lần tại quầy. Việc mở thêm các LiveBank cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn với tốc độ gấp 50 lần mô hình truyên thống. Ngân hàng này đặt mục tiêu có 300 điểm giao dịch như vậy vào năm 2020.
Về kiểm soát chi phí, tại thời điểm này thì khó có thể so sánh giữa truyền thống và số. Tuy nhiên theo nhìn nhận của ông Nam thì chi phí giao dịch và vận hành thấp hơn, ví dụ chi phí vận hành của một Kiot Live Bank chỉ bằng 1/5 so với một phòng giao dịch, chi phí giao dịch bằng một nửa so với truyền thống. Rõ ràng về mặt chi phí thì kênh LiveBank đang hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ như Chatbot còn giảm tải 30% cho Call Center, Voice Bio giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi.
Ông Trần Hoài Nam - Giám đốc ngân hàng số TPBank, Ảnh: Hải Vân
"Nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc Chatbot giảm tải 30% cho nhân sự Call Center thì sa thải luôn từng đấy nhân sự? Trên thực tế thì không, chúng tôi dùng nguồn lực đấy hoặc thời gian đấy làm những việc khác", ông Trần Hoài Nam chia sẻ.
Về gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, ngân hàng số giúp khách hàng giao dịch 24/7, không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Trước kia khách hàng mở tài khoản và nhận thẻ ATM thời gian tính theo tuần. Nếu như sử dụng live bank, chỉ trong vòng 8 phút giải quyết công việc trên. Vị này cho biết, sau khi ra mắt vào hồi tháng 3, trung bình mỗi tháng 10.000 khách hàng mới.
Về rủi ro, an ninh bảo mật, ông Nam cho rằng bất kỳ mô hình nào thì cũng sẽ phải đối diện với rủi ro và thậm chí rủi ro con người theo mô hình truyền thống còn có thể nặng nề hơn. Để đảm bảo bảo mật, ngân hàng số sử dụng xác thực đa phương thức, giảm thiểu rủi ro lỗi sai sót từ con người nhờ công nghệ ORC, nhận dạng sinh trắc học, cơ chế phát hiện và cảnh báo gian lận,…
Kết quả là gì? Theo chia sẻ của vị này, ngân hàng số đã đóng góp lớn vào kinh doanh của TPBank về mở rộng mạng lưới và phát triển cơ sở khách hàng. Tiền gửi không kỳ hạn thông qua livebank đã chiếm gần 1/3 dù mới áp dụng khoảng 2 năm.