Vốn lưu động và cách thức phân loại

Để đảm bảo quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được vận hành liên tục và thường xuyên, nhà quản lý không thể bỏ qua yếu tố vốn lưu động. Đó là lý do mà việc tìm hiểu một cách chi tiết, cụ thể khái niệm vốn lưu động cũng như cách thức phân loại loại vốn này lại trở nên đặc biệt quan trọng.

1. Vốn lưu động là gì?

Ngoài tài sản cố định thì mỗi doanh nghiệp khi vận hành còn cần phải có các tài sản lưu động khác nhau. Cơ cấu của số tài sản lưu động này sẽ tùy theo loại hình doanh nghiệp nhưng nhìn chung có hai bộ phận chính là tài sản lưu động sản xuất và tài sản lưu thông. Doanh nghiệp phải đảm bảo lượng tài sản lưu động ở một mức nhất định để việc kinh doanh được tiến hành liên tục và thường xuyên. Để đảm bảo điều đó, một số vốn đầu tư vào loại tài sản này sẽ được doanh nghiệp ứng ra và đây chính là vốn lưu động.
Như vậy, vốn lưu động là số vốn mà doanh nghiệp phải ứng ra để tạo nên tài sản lưu động, giúp doanh nghiệp tiếp tục các hoạt động kinh doanh. Để tính vốn lưu động, ta lấy tài sản hiện tại trừ đi nợ ngắn hạn. Trong trường hợp tài sản hiện tại ít hơn nợ ngắn hạn thì doanh nghiệp được coi là thiếu vốn lưu động hoặc thâm hụt vốn lưu động.

2. Các cách phân loại vốn lưu động

2.1. Theo vai trò:

- Trong khâu dự trữ sản xuất: vốn lưu động loại này bao gồm giá trị các khoản nguyên vật liệu (chính, phụ), động lực, nhiên liệu, công cụ, dụng cụ và phụ tùng thay thế.
- Trong khâu sản xuất: vốn lưu động loại này bao gồm giá trị sản phẩm dở dang, bán thành phẩm hay các khoản chi phí đang chờ kết quả chuyển.
- Trong khâu lưu thông: vốn lưu động loại này bao gồm vốn bằng tiền, giá trị thành phẩm, vốn đầu tư ngắn hạn, khoản thế chấp,…

2.2. Theo hình thái biểu hiện:

- Vốn vật tư, hàng hóa: vốn lưu động có hình thái biểu hiện là hiện vật cụ thể như sản phẩm dở dang, nguyên hay nhiên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm,…
- Vốn bằng tiền: vốn lưu động là các khoản vốn tiền tệ như tiền gửi ngân hàng, tiền mặt tồn quỹ, khoản đầu tư chứng khoán,…

2.3. Theo quan hệ sở hữu:

 - Vốn chủ sở hữu: vốn lưu động thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và doanh nghiệp có toàn quyền với loại vốn này như quyền chiếm hữu, sử dụng, chi phối và định đoạt. Có nhiều vốn chủ sở hữu khác nhau tùy loại hình doanh nghiệp như do doanh nghiệp tư nhân tự bỏ ra, từ ngân sách nhà nước, vốn góp cổ phần trong công ty cổ phần,…
- Các khoản nợ: vốn lưu động được tạo nên từ vốn vay các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng thương mại, vốn vay thông qua phát hành trái phiếu, khoản nợ khách hàng chưa thanh toán.

2.4. Theo nguồn hình thành

- Vốn điều lệ: vốn lưu động được tạo nên từ nguồn vốn điều lệ ban đầu hoặc vốn điều lệ bổ sung trong quá trình sản xuất kinh doanh.
- Vốn tự bổ sung: vốn lưu động do doanh nghiệp tự bổ sung trong quá trình sản xuất kinh doanh như tái đầu tư lợi nhuận doanh nghiệp.
- Vốn liên doanh, liên kết: vốn lưu động được tạo nên từ vốn góp liên doanh của các bên tham gia doanh nghiệp liên doanh.
- Vốn đi vay: vốn lưu động được vay từ ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng,…
- Vốn huy động từ thị trường thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

2.5. Theo thời gian huy động và sử dụng vốn

- Vốn lưu động tạm thời: vốn có tính chất đáp ứng nhu cầu tạm thời, phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh như các khoản vay ngắn hạng ngân hàng.
- Vốn lưu động thường xuyên: vốn có tính chất ổn định để tạo nên tài sản lưu động thường xuyên.