Việt Nam thắt chặt tính thanh khoản của ngân hàng

Thanh khoản ngân hàng tại Việt Nam sẽ được thắt chặt sau thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Quy định mới về quản lý tài sản – công nợ và khoản vay bất động sản nhận được đánh giá tích cực từ tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s.
 
Trong một báo cáo gần đây của Moody’s, tổ chức này cho rằng quy định mới dù được nới lỏng hơn quy định ban hành hồi tháng hai năm nay thì vẫn sẽ tác động tích cực lên tình hình tín dụng của các ngân hàng. Nguyên nhân đến từ việc thông tư này hỗ trợ cho tính thanh khoản của ngân hàng và hạn chế cho vay bất động sản - một lĩnh vực cho vay có rủi ro cao.
 
Moody’s cũng nhận định rằng thông tư mới sẽ gúp tiết chế tăng trưởng tín dụng trong hệ thống, nhất là lĩnh vực bất động sản. Trong giai đoạn bùng nổ tín dụng 2008 – 2011, lĩnh vực bất động sản gây ra tổn thất lớn cho các ngân hàng khi các nhà băng rót vốn quá nóng vào lĩnh vực này.
 
Thay thế cho thông tư 36, thông tư 06 mang đến nhiều thay đổi lớn về thanh khoản ngân hàng. Trong số đó phải kể đến tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được điều chỉnh xuống còn tối đa 50% vào cuối năm 2016. Hiện nay, tỷ lệ này là 60%. Đến đầu năm 2018, tỷ lệ này sẽ tiếp tục được điều chỉnh xuống còn 40%.
 
Quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng tín dụng tại những nhà băng có tỷ lệ cho vay dài hạn lớn chậm lại. Những ngân hàng này có thể lựa chọn giải pháp chuyển sự tập trung cho các khoản vay ngắn hạn. Sự chuyển đổi này là có lợi cho tính thanh khoản của ngân hàng tại Việt Nam.
 
Thu hút nguồn vốn dài hạn để cho vay dài hạn có thể là một trong các phương án được các ngân hàng lựa chọn. Tuy nhiên, Moody’s không đánh giá cao phương án này vì chi phí vốn sẽ cao hơn, chưa kể cạnh tranh huy động vốn cũng theo đó mà tăng mạnh.
 
Thông tư 06 lần này cũng tăng hệ số rủi ro của các khoản cho vay bất động sản lên 200%, áp dụng từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, hệ số này vẫn thấp hơn hệ số đề xuất trong thông tư hồi tháng hai (250%). Hệ số rủi ro của các khoản vay bất động sản hiện nay là 150%.