Tăng trưởng tín dụng thời gian tới của Techcombank gắn chặt chẽ với Vingroup
Techcombank có thể chưa xin nâng hạn mức tín dụng trong năm nay do thị trường bất động sản chững lại khiến nhu cầu vay vốn không tăng mạnh.
Tăng trưởng cho vay khách hàng phụ thuộc vào Vingroup
Chứng khoán BVSC vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - HoSE: TCB). Mặc dù Techcombank đã tạo bất ngờ về kết quả lợi nhuận trong quý 1/2019 nhưng vẫn có nhiều điểm đáng lưu ý trong khả năng tăng trưởng của ngân hàng này khi danh mục cho vay phụ thuộc lớn vào cho vay bất động sản.
"Kết quả kinh doanh Quý 1/2019 của Techcombank vượt kỳ vọng của chúng tôi với lợi nhuận trước thuế đạt 2.617 tỷ đồng", BVSC cho biết. Bởi, nếu không tính đến khoản lợi nhuận đột biến từ bán Techcom Finance trong Quý 1/2018, tăng trưởng lợi nhuận Quý 1/2019 của Techcombank đạt 56%. Mức tăng này chủ yếu đến từ lợi suất trái phiếu tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ giảm mạnh.
Nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng cho vay khách hàng của Techcombank tiếp tục phụ thuộc vào Vingroup. Tổng danh mục cho vay khách hàng của Techcombank tăng 3.896 tỷ, trong đó cho vay khối khách hàng lớn (WB) giảm trên 4.000 tỷ, PFS (khách hàng cá nhân) tăng 6.000 tỷ và BB (KH doanh nghiệp) tăng 2.000 tỷ.
Khả năng tăng trưởng tín dụng của Techcombank tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup. Việc tăng trưởng danh mục cho vay PFS cũng xuất phát từ khoản giải ngân 6.800 tỷ cho vay mua nhà đối với dự án Vincity.
Không chỉ danh mục cho vay tăng trưởng khiêm tốn, tiền gửi khách hàng cũng tương tự.
Việc có được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao đã giúp Techcombank có lợi thế về chi phí huy động vốn. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, mặc dù CASA vẫn trong xu hướng tăng nhưng tác động lên chi phí huy động không còn rõ ràng như giai đoạn trước.
Techcombank đặc biệt chú trọng vào phát triển theo các chuỗi giá trị để nâng cao tỷ lệ CASA. Về lý thuyết, với danh mục tiền gửi khách hàng khoảng 207.979 tỷ, việc tăng CASA lên 1% (2.080 tỷ) tương đương với việc tiết kiệm được khoảng 125 tỷ đồng chi phí vốn.
Trong giai đoạn 2013- 2015, khi CASA tăng từ 11% tại 31/3/2013 lên 21% tại 31/12/2015, lãi suất đầu vào bình quân của Techcombank đã giảm từ 6,6% xuống 3,8%. Tuy nhiên, kể từ đầu 2016 đến nay, CASA tiếp tục tăng lên mức 28% nhưng lãi suất đầu vào bình quân lại không có nhiều cải thiện.
Sau khi "tốt nghiệp" Basel II, Techcombank có xin nới "room" tín dụng?
Techcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay là 13% và đã được áp dụng Basel II từ 1/7/2019. Tuy nhiên, BVSC chưa đặt kỳ vọng Techcombank sẽ xin nâng hạn mức tín dụng trong năm nay do thị trường bất động sản chững lại khiến nhu cầu vay vốn không tăng mạnh. Hơn nữa, đã có khoảng 10 ngân hàng xin áp dụng Basel II sớm nên nếu được nới "room" tín dụng thì cũng sẽ không được nhiều với mỗi ngân hàng để không ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của toàn ngành.
BVSC dự báo NIM của Techcombank sẽ tăng lên 4,2% nhờ lợi suất danh mục trái phiếu tốt hơn so với năm 2018. Theo đó thu nhập lãi thuần dự báo đạt 13.266 tỷ, tăng 19%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt khoảng 4.199 tỷ. Doanh thu phí dịch vụ có thể tăng chậm hơn so với giai đoạn trước do Techcombank đang áp dụng chương trình F@st eBank để mở rộng CASA nhằm làm giảm chi phí vốn.
Trong khi các khoản thu ngoài lãi sụt giảm, BVSC cho rằng tăng trưởng tốt ở thu nhập lãi thuần sẽ tạo động lực cho Techcombank. Hoạt động Bancassurance ở Techcombank cũng chuyển sang giai đoạn 2 và cần có thời gian để đào tạo nhân viên cũng như xây dựng lực lượng tuyến đầu hiểu và tư vấn đúng sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Với dự phòng rủi ro trong quý 1/2019 ở mức thấp và chất lượng tài sản vẫn duy trì khả quan, BVSC dự báo chi phí dự phòng của Techcombank năm 2019 chỉ ở mức 2.133 tỷ đồng.