Việt Nam bước vào giai đoạn: Trên tay là ngân hàng
Ảnh minh họa.
Báo cáo “Nền kinh tế số tại Đông Nam Á - gia cố nền tảng cho tăng trưởng tương lai” mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cuộc cách mạng số vốn đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho khu vực Đông Nam Á, nhưng khu vực này cũng đang đứng trước cơ hội hiếm có để đẩy nhanh tốc độ phát triển hơn qua việc củng cố nền tảng của nền kinh tế số.
Với ngân hàng số tại Việt Nam, “cơ hội hiếm có” đó như thế nào?
Từ áp lực thành động lực
Ngành ngân hàng Việt Nam đã có lịch sử trên 60 năm, nhưng yếu tố công nghệ mới chỉ thực sự bắt đầu khoảng 20 năm trở lại đây.
Dấu ấn chuyển đổi số rõ nhất được ghi nhận từ chuỗi trang bị hệ thống CoreBanking đầy áp lực, từng đặt ra lựa chọn giữa công nghệ của Malaysia có chi phí đầu tư thấp hơn, hay từ Thụy Sĩ với đòi hỏi đầu tư lớn hơn.
Giai đoạn đó, để sở hữu một hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking Temenos của Thụy Sĩ, một ngân hàng cổ phần bình thường cần tới khoảng 20 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn nhiều thành viên khi đó chỉ quanh 100 tỷ đồng. Áp lực chi phí đầu tư quá lớn này khiến nhiều trường hợp phải mất cả chục năm sau nữa mới thực sự triển khai xong công nghệ ngân hàng lõi.
Thay vào đó, các ngân hàng thương mại tập trung mở rộng mạng lưới chi nhánh, phục vụ các nghiệp vụ và giao dịch truyền thống, cũng là đặc thù đang phát triển của thị trường Việt Nam. Sự cạnh tranh mở rộng theo hướng này từng dẫn đến giai đoạn mà nhiều người trong cuộc ví von: “ra ngõ gặp ngân hàng”.
Nhưng, yêu cầu và lợi ích từ đầu tư hệ thống CoreBanking trở nên bắt buộc, trong xu hướng phát triển mô hình một ngân hàng hiện đại. Công nghệ này giúp rút ngắn thời gian giao dịch, quản lý vận hành trở nên nhanh chóng và hiệu quả, quản lý dữ liệu và quản trị rủi ro, quản trị bảo mật có thể điều kiện để củng cố…
Qua 20 năm phát triển, CoreBanking trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các nhà băng, nếu không muốn bị tụt hậu và bỏ rơi phía sau. Và hướng phát triển công nghệ thực trở thành mũi nhọn ưu tiên tại nhiều ngân hàng Việt, để đón đầu một giai đoạn bùng nổ trong đáp ứng các nhu cầu trên thị trường.
Cũng khoảng 20 năm đó, hạ tầng công nghệ chung cũng chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, từ mạng internet thời Dial-up đến ADSL, rồi cáp quang băng thông rộng; rồi sự xuất hiện của điện thoại di động, điện thoại thông minh 3G, rồi 4G, công nghệ sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo…
Công nghệ trở thành động lực định hình và thúc đẩy nhu cầu. Các ngân hàng nắm bắt và đáp ứng. Kỷ nguyên số trong hoạt động ngân hàng Việt Nam bắt đầu.
Bùng nổ nhu cầu và giao dịch
Khoảng 5 năm trước, cộng đồng công nghệ, người tiêu dùng và thậm chí cả nhà quản lý từng tập trung chú ý vào sự xuất hiện của các ứng dụng nền tảng số như Grab, Uber…
Rồi hàng loạt dịch vụ trung gian thanh toán, với ví điện tử, sự tham gia mạnh mẽ của các công ty Fintech.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nổi bật trong các dòng chảy thông tin. Và thực tế, nhiều người tiêu dùng đã và đang thay đổi cách mua sắm, di chuyển và sử dụng dịch vụ.
Trong thực tế và xu thế đó, các ngân hàng thương mại buộc phải hành động nhanh hơn để bắt kịp. Và chính họ cũng đã chủ động đi trước một bước.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, bên cạnh các yếu tố về quản trị, uy tín, thế mạnh các nghiệp vụ truyền thống…, thì yếu tố công nghệ hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng thương mại giành tới 50% cơ hội thành công trên thị trường.
Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam chứng kiến sự thay đổi chóng mặt trong sản phẩm, dịch vụ tiện ích ngân hàng ứng dụng công nghệ. Và cuộc đua “dịch vụ ngân hàng trên ngón tay cái” trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Sau giai đoạn “ra ngõ gặp ngân hàng”, Việt Nam đang thực sự bước vào giai đoạn mới: Trên tay là ngân hàng. Với một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể giao dịch được hầu hết các nhu cầu thanh toán, gửi tiền, mua sắm… với hàng loạt tiện ích nhanh chóng. Với khách hàng doanh nghiệp, quản lý hoạt động tài chính một tổ chức cũng trở nên thuận tiện hơn với các dịch vụ ngân hàng hỗ trợ trong lòng bàn tay.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhu cầu và giao dịch điện từ trong nền kinh tế đã và đang được kích hoạt, với hàng loạt dữ liệu cho thấy sự bùng nổ của một giai đoạn mới.
Cụ thể, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đã đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Giao dịch chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, tính đến 31/3/2019, đạt gần 120.816,11 nghìn giao dịch với tổng giá trị hơn 753,80 nghìn tỷ đồng, tăng 53,39% về số lượng giao dịch chuyển mạch tài chính và tăng tới 162,32% về giá trị giao dịch chuyển mạch tài chính so với cùng kỳ năm 2018.
Và đặc biệt, đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 97,75% và tăng tới 232,3% so với cùng kỳ năm 2018…
Như trên, các ngân hàng thương mại đã chủ động đi trước một bước trong chuyển đổi số, đón đầu và nắm bắt sự bùng nổ trên. Thậm chí, hệ thống đang sẵn sàng tiếp tục khai thác tiềm năng, thời cơ gia tăng hơn nữa nhu cầu và giá trị kích thích từ ngân hàng số.
Trao đổi với BizLIVE, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có 3-4 năm gần đây tập trung đầu tư cho hạ tầng công nghệ, để chủ động bắt nhịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng, nhu cầu trên thị trường.
“Quá trình đầu tư này diễn ra khá nhanh. Và bây giờ mới chỉ là điểm bắt đầu của kỷ nguyên số, của ngân hàng số. Tiềm năng lớn vẫn còn ở phía trước”, Tổng giám đốc MSB nói.