Hợp tác bảo hiểm - ngân hàng: Cạnh tranh khốc liệt, kẻ ở người đi
Techcombank chia tay với Generali Việt Nam để hợp tác độc quyền với Manulife. |
Thêm nhiều cuộc “kết đôi”
Hàng loạt các cuộc ký kết giữa DN bảo hiểm lớn nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng được thực hiện trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, tháng 9/2017, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm, hướng đến mục tiêu đạt hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới. Sau đó, năm 2018, VPbank cũng chính thức triển khai bán, phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với AIA Việt Nam. Trước đó, năm 2015, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã ký kết hợp tác độc quyền thời hạn 15 năm.
Ngoài những cuộc kết đôi “độc quyền” và dài hạn, thị trường bảo hiểm cũng chứng kiến nhiều cái bắt tay triển khai sản phẩm mới giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng. Đơn cử, Bảo hiểm Bảo Việt và LienVietPostbank, ngân hàng Quốc Dân (NCB) hợp tác triển khai các sản phẩm bảo hiểm.
Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, trên thế giới, bancassurance là một kênh quan trọng hỗ trợ ngân hàng tăng doanh thu phí dịch vụ phi truyền thông đồng thời có thể mang lại những thuận tiện lớn cho người tiêu dùng. Về phía ngân hàng, lãnh đạo NCB chia sẻ, hợp tác với các công ty bảo hiểm sẽ tạo thêm được nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và nhiều lợi ích cho các bên tham gia, tối ưu hóa thế mạnh của mỗi bên đối tác và cùng nhau phát triển trong tương lai.
Sau hơn 3 năm đồng hành, kết quả kinh doanh bancassurance Prudential - VIB liên tục tăng trưởng. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới năm 2018 tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với 2016.
Tương tự, năm 2018, tổng lợi nhuận từ phí bảo hiểm khai thác trên kênh bancassurance của VPBank tăng 15% so với năm 2017 và tăng gần 50% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu riêng trong mảng bảo hiểm nhân thọ của năm 2018 đã tăng hơn 50% so với năm 2017 và tăng hơn 107% so với năm 2016. Kết thúc quý I/2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 117% so với kế hoạch đặt ra và tăng 172% so với cùng kỳ năm 2018.
Liên tục kẻ đến, người đi
Có thể thấy, đến thời điểm này, bancassurance vẫn được coi là “mỏ vàng” của ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Vì vậy, một cuộc chạy đua tìm kiếm đối tác để kết đôi phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đang tiếp tục nóng trong năm 2019.
Đi cùng với sự cạnh tranh là những cuộc chia tay kẻ ở, người đi để tìm đến “những chân trời mới”. Năm 2014, Techcombank bắt tay cùng Công ty Bảo hiểm Generali Việt Nam phân phối các sản phẩm của DN này. Tuy nhiên, đến năm 2017, Techcombank đã chia tay với Generali để hợp tác độc quyền với Manulife Việt Nam. Cuộc chia tay này được chính lãnh đạo Generali Việt Nam thừa nhận là làm giảm doanh thu phí kênh bancassurance, theo đó, ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Sau Techcombank, Generali Việt Nam cũng có thêm “tình mới” bao gồm Eximbank và OCB. Những mối quan hệ mới này cũng đang mang lại hiệu quả tích cực cho DN. “Trước đây, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho tín dụng. Nhiều năm gần đây, họ bắt đầu đa dạng hóa các nguồn thu và bancassurance là một kênh hiệu quả. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng hiểu về tài chính ngân hàng, được đào tạo về tài chính nên sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Đây là lợi thế của việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh này” - Tổng Giám đốc Generali Việt Nam Tina Nguyễn cho hay.
Thừa nhận sự cạnh tranh, lãnh đạo VPBank cho hay, hiện nay, việc hợp tác độc quyền giữa ngân hàng với các công ty bảo hiểm đang dần trở thành xu hướng chung của thị trường. Do đó, các sản phẩm dần có tính cạnh tranh cao hơn và đòi hỏi khả năng khai thác chuyên nghiệp hơn, sự đầu tư cho dịch vụ, chế độ sau bán hàng được chú trọng hơn.
Được biết, hiện, nhiều công ty bảo hiểm vẫn đang cấp tập tìm đối tác để chung đôi phát triển kênh bancassurance. Bancassurance vẫn được dự báo tiếp tục là mỏ vàng cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong thời gian tới.