Tăng vốn là điều kiện sống còn của ngân hàng
Dù đạt lợi nhuận cao năm 2018, nhưng Techcombank không trả cồ tức, mà giữ lại toàn bộ để tăng vốn
(ĐTCK) Cuộc đua tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng chưa bao giờ có hồi kết, thậm chí ngày một nóng hơn khi lộ trình áp chuẩn Basel II cận kề.
Basel II cận kề
Tín dụng tăng nhanh thời gian qua, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm thời gian qua đã khiến hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) của nhiều ngân hàng giảm sút. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu.
TS. Nguyễn Văn Thuận
CAR theo quy định của NHNN đạt 13% và theo tiêu chuẩn Basel II đạt 12%. Trong 10 tổ chức tín dụng đầu tiên được NHNN lựa chọn thí điểm triển khai Basel II, mới có 4 ngân hàng hoàn tất (Vietcombank, VPBank, VIB, ACB) và gần đây có thêm OCB, TPBank. Vì thế, áp lực tăng vốn của các ngân hàng hiện nay rất lớn và cuộc đua này chưa có điểm dừng, vì hệ số CAR của các ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, đã tiệm cận mức 9%. Nếu áp dụng các chuẩn mực Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Do đó, nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn 2018 - 2020 của riêng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank) gấp đôi so hiện tại, đạt tốc độ tăng trưởng tài sản 14 - 18%/năm, đáp ứng CAR từ 8% trở lên và nhà băng nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng vốn điều lệ để đáp ứng được chuẩn Basel II.
Bởi mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần Việt Nam đến cuối 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Giai đoạn 2018 - 2020, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Bởi thực tế cho thấy, định hướng của Chính phủ cũng là giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng tổ chức tín dụng phù hợp, hoạt động lành mạnh toàn hệ thống.
Tuy đã nhận thức được tiêu chuẩn tại Basel II là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, nhưng với năng lực của một số ngân hàng Việt Nam, thì yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II khá cao, nên việc áp dụng cần có thời gian.
Trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn. Việc tăng vốn phải tránh được bài học trước đây là vẫn có những ngoại lệ được “khất”, “hoãn”, hoặc tăng nhưng không phải tiền thật, mà bằng các hình thức sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng rất lớn, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và phải tăng bằng “tiền tươi, thóc thật”.
Chia cổ tức, cổ phiếu thưởng tăng vốn
Có thể thấy, để có thể đáp ứng quy định của Basel II, từ nay tới cuối năm 2020, nhu cầu vốn tự có của các ngân hàng tăng thêm là rất lớn.
Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại. Còn theo Moody’s, với mức tăng trưởng tín dụng hiện nay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 - 9 tỷ USD tăng thêm vốn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 ở mức 11% vào năm 2018 và 2019. Đó cũng là lý do để các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.
Trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, hầu hết nhà băng chia cổ tức ở mức cao bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, chẳng hạn ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, HDBank chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, Nam A Bank chia 16% cổ tức bằng cổ phiếu, VIB phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 18%...
Từ thực tế trên, có thể thấy, áp lực tăng vốn đáp ứng các chuẩn Basel II đang ngày một cận kề. Trong khi đó, những ngân hàng còn lại trong danh sách thí điểm nói trên đã báo cáo lên NHNN rằng, sẽ đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41/2016/TT-NHNN trong năm 2019. Xem xét hệ số an toàn vốn hiện nay, một số ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, để có thể có khoảng cách an toàn vốn đủ cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các ngân hàng phải nỗ lực huy động thêm vốn trong năm 2019.
Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, các khoản loại trừ khỏi vốn cấp 2 riêng lẻ gồm trái phiếu chuyển đổi do tổ chức tín dụng khác phát hành, nợ thứ cấp do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành mà tổ chức tín dụng mua, đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối với trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp được mua, đầu tư từ năm 2018, tổ chức tín dụng trừ khỏi vốn cấp 2 theo lộ trình đã được ấn định trừ 25% từ năm 2018 đến trừ toàn bộ giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp kể từ năm 2021.
Tuy nhiên, chính các khoản loại trừ khỏi vốn cấp 2 này sẽ tác động đến CAR theo hướng giảm đi. Trong khi đó, theo mục tiêu và lộ trình thực hiện Basel II, áp lực đang đặt ra các ngân hàng thương mại Việt Nam phải nâng cao được hệ số này, chủ yếu qua nâng cao vốn tự có.
Dù vậy, để tăng được vốn điều lệ cũng không hẳn là điều dễ dàng với ngân hàng, nhất là đối với những nhà băng nhỏ. Do đó, thời điểm này, biện pháp tăng vốn khả thi nhất là giữ lại lợi nhuận. Thực tế, đã có một số ngân hàng không chia cổ tức năm nay mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm rồi để tăng vốn như ABBank, Techcombank, SCB... Nhưng không phải ngân hàng nào cũng có được kết quả lợi nhuận khả quan hoặc có thể còn chịu áp lực tăng dự phòng rủi ro lớn do nợ xấu còn ở mức cao.
Ngoài việc tăng vốn điều lệ để duy trì hệ số CAR, thì vốn chủ sở hữu cũng là yếu tố quan trọng và được coi là "tấm đệm" cho ngân hàng. Đơn cử, trong hoạt động tín dụng, theo quy định, ngân hàng cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu và rất nhiều hoạt động ngân hàng khác phụ thuộc vào nguồn vốn này...
Vì vậy, không chỉ vốn điều lệ, nếu ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao tức là sẽ có "đệm dày" để có thể chống đỡ, giảm thiểu thiệt hại khi thị trường có biến động. Ngược lại, ngân hàng vốn mỏng sẽ bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì thế, hệ số CAR và vốn chủ sở hữu đều là "xương sống" của ngân hàng.