Kienlongbank: Tạo sức bật đột phá cho năm 2019
Trụ sở Kienlongbank tại TP.HCM
(ĐTCK) Từ những nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ đi kèm với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động, năm 2018, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) có nhiều khởi sắc. Kienlongbank tin tưởng, sự đoàn kết và nỗ lực của hơn 4.500 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống sẽ là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công, tạo sức bật đột phá trong hoạt động của năm 2019.
Tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Kienlongbank, kết thúc năm 2018, các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng so với năm 2017. Cụ thể, tổng tài sản đạt 42.330 tỷ đồng, tăng 13,40%; tổng huy động vốn đạt 37.499 tỷ đồng, tăng 13,11%; dư nợ cấp tín dụng đạt 29.472 tỷ đồng, tăng 19,39%; lợi nhuận trước thuế đạt trên 290 tỷ đồng, tăng 18,98%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,86%.
Các chỉ số an toàn hoạt động của Ngân hàng đều đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nhiều sản phẩm dịch vụ mới và chương trình ưu đãi khách hàng được triển khai hiệu quả, đời sống cán bộ, nhân viên không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó, Kienlongbank đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.237 tỷ đồng, năng lực tài chính của Ngân hàng ngày càng được nâng cao.
Đáng chú ý, trong năm 2018, Kienlongbank tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động thêm 17 chi nhánh, phòng giao dịch mới. Tính đến cuối năm qua, Kienlongbank đã có 134 điểm giao dịch tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bên cạnh kênh giao dịch điện tử qua Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking, cùng với đội ngũ hơn 4.500 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, Kienlongbank tận tâm, chuyên nghiệp, cam kết mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Kienlongbank trao quyết định chỉ tiêu kinh doanh 2019 cho các đơn vị
Trong năm qua, Kienlongbank tiếp tục tăng cường hợp tác và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích cho khách hàng như phát hành thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank JCB, ký kết thỏa thuận hợp tác tư vấn về phân tích chênh lệch theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN với Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG…
Cùng với đó, Kienlongbank luôn nỗ lực đa dạng sản phẩm, dịch vụ kết hợp với các chương trình khuyến mại. Đây là một trong những lợi thế để Kienlongbank thu hút được nguồn vốn dồi dào, ổn định, tạo tiền đề cho việc tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững. Năm 2018, Kienlongbank cũng tích cực khai thác hệ thống nguồn tài nguyên khách hàng, tăng cường thu hút nguồn vốn cũng như kết hợp dịch vụ bán chéo các sản phẩm để vừa gia tăng tiện ích của khách hàng, vừa phát triển đồng đều các mảng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với các ngân hàng bạn trên cùng địa bàn.
Bà Trần Tuấn Anh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Kienlongbank chia sẻ: “Tình hình tài chính của Kienlongbank năm 2018 đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng và tính bền vững. Các chính sách hợp tác phát triển với các đối tác có thương hiệu và uy tín trên thị trường; khả năng cạnh tranh của Ngân hàng Kienlongbank được nâng lên rõ rệt. Thương hiệu Kienlongbank cũng ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng khách hàng đã tăng lên đáng kể, là tiền đề để Kienlongbank tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2019 và thời gian tới”.
Trên nền tảng vững chắc
Có thể nói, những thành tích Kienlongbank đạt được năm 2018 và trong suốt chặng đường hình thành, phát triển không thể tách rời sự cống hiến, nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, cộng tác viên, cổ đông và đối tác. Điều đó nói lên giá trị của việc hợp tác luôn được Kienlongbank trân trọng, duy trì và phát triển suốt thời gian qua.
Tiếp nối những thành quả đã đạt được trong năm 2018, Ban điều hành Kienlongbank xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2019 tăng trưởng tích cực. Các chỉ tiêu này đã được trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua tại phiên họp thường niên tổ chức ngày 12/4/2019. Theo đó, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 306 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2018. Tổng tài sản hợp nhất dự kiến đến cuối năm 2019 đạt 7.690 tỷ đồng, tăng 18,18%; trong đó, tổng nguồn vốn huy động hợp nhất đạt 7.701 tỷ đồng, tăng 20,54% so với năm 2018; dư nợ tín dụng dự kiến đạt 4.428 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2018.
Tỷ lệ nợ xấu được Kienlongbank đặt mục tiêu kiểm soát dưới 2% và cổ tức dự kiến ở mức 13%. Đây được xem là mức cổ tức cao trong nhóm ngân hàng có quy mô tương đương.
Kienlongbank tin tưởng, sự đoàn kết và nỗ lực của hơn 4.500 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trong toàn hệ thống sẽ là yếu tố quan trọng để góp phần tạo nên thành công, tạo sức bậc đột phá trong năm 2019. Đồng thời, lãnh đạo Kienlongbank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu “Hoạt động an toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý, mở rộng thị phần qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, hướng tới phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử”, sớm đưa Kienlongbank trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Năm 2019, Kienlongbank đặt mục tiêu tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng và đẩy mạnh xử lý nợ xấu; cơ cấu lại tài sản và nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời, nâng cao hiệu quả và tăng cường kiểm soát rủi ro.
Đối với xử lý nợ xấu, Kienlongbank cho biết, sẽ triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ kết hợp các biện pháp chế tài, nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ; đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2% tổng dư nợ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu; tích cực triển khai giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, trong đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Đồng thời, Kienlongbank sẽ thường xuyên rà soát các khoản vay của khách hàng để kiểm soát chất lượng tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp, hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Bên cạnh đó, các mục tiêu Kienlongbank xây dựng cho năm nay cũng phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.