Miếng bánh cho các công ty tài chính tiêu dùng lớn dần bé lại
Việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn...
Theo thống kê của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình tới 66,3%/năm trong giai đoạn 2015-2017, cao hơn nhiều so với mức 20% của 2013-2014. Tăng trưởng của năm 2018 đạt 30,4%, thấp hơn với mức 59% trung bình 5 năm trước.
Xuất hiện những tân binh mạnh
Một báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam của FiinGroup mới đây đã thống kê miếng bánh thị phần của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay với số liệu đã thay đổi đáng kể so với năm 2017.
Theo đó, năm 2018, mặc dù FE Credit vẫn là công ty có thị phần lớn nhất với 47,3%, tuy vậy tỷ lệ này đã giảm so với năm 2017 (48,9%).
Không chỉ FE Credit, 3 ông lớn trong ngành này là Home Credit, HD Saison và Prudential Finance cũng gặp phải tình trạng tương tự khi miếng bánh thị phần năm 2018 đã nhỏ hơn năm 2017.
Thị phần các công ty tài chính tiêu dùng năm 2017 - 2018
Ngược lại với nhóm này là sự trỗi dậy của các công ty nhỏ hơn như Toyota Financial Services, JACCS, Mirae Asset và MCredit. Đặc biệt, sự xuất hiện của MCredit được các nhà phân tích đánh giá là "có một màn trình diễn ấn tượng" khi nhanh chóng chiếm hơn 5% thị phần chỉ vào năm thứ 2 sau khi ra mắt nhờ tập trung vào các khoản vay tiền mặt, theo sau đó là SHB Finance và Easy Credit. Đến 2018, thị trường đã chứng kiến 16 công ty tài chính tiêu dùng hoạt động và được cấp phép.
MCredit là liên doanh tài chính tiêu dùng giữa MBB và Ngân hàng Shinsei (Nhật Bản) ra mắt vào cuối năm 2016. Năm 2018, dư nợ mảng này tăng hơn 4 lần so với 2017, đạt 5,430 tỷ VND. Dự định của MBB trong năm 2018 là tăng gấp đôi dư nợ mảng này, tuy nhiên vẫn là một mức thấp so với tổng dư nợ (<5%) cũng như so với quy mô của các công ty tài chính tiêu dùng khác như FE Credit hay HD Saigon.
Có còn nhiều dư địa để tăng?
Báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới nhất cho biết, về xu hướng chi tiêu, những năm gần đây người tiêu dùng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, như sản phẩm công nghệ mới hoặc các kỳ nghỉ/du lịch, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt dần thay đổi theo hướng người dân chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống thay vì tích lũy, tiết kiệm đến khi đủ số tiền để mua sản phẩm mình mong muốn.
Trong bối cảnh tiêu dùng tăng trưởng tốt, sự dịch chuyển của hành vi người tiêu dùng, mức độ thâm nhập thấp của tín dụng tiêu dùng so với tổng dư nợ, cũng như một tỷ lệ lớn khách hàng có thu nhập thấp và xa cách về địa lý còn chưa được tiếp cận, các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng vẫn có nhiều dư địa để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.
Hiện nay, cho vay mua/sửa nhà, điện tử điện máy và phương tiện đi lại là các loại hình có tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mở rộng dư nợ tại các khoản vay này đang có một số khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước đã có động thái siết chặt hơn đối với cho vay mua nhà. Trong khi các khoản vay khác như phương tiện đi lại và điện tử, điện máy cũng chiếm tỷ trọng cao do các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đang tiếp cận khách hàng chủ yếu thông qua các kênh bán lẻ hiện đại theo chuỗi hoặc thương mại điện tử, vốn đem lại hiệu quả cao và giúp tiết kiệm được chi phí quản lý.
Tuy nhiên, sự có mặt của họ tại các kênh chuỗi đang trở nên dày đặc, trong khi nhu cầu tiêu thụ xe máy, điện thoại, điện máy đang dần bão hòa.
Theo dữ liệu của Euromonitor, doanh số hàng điện tử, điện máy năm 2018 giảm còn 11,0% so với mức bình quân 13,9% trong 5 năm trước. Ngoài ra, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng ghi nhận mức tăng trưởng số lượng xe máy tiêu thụ chậm lại trong hai năm qua và thậm chí trong quý 1 vừa rồi còn có tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay. Trong khi đó, cho vay bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước, VDSC đánh giá.