HDBank đang thúc đẩy giá trị hệ sinh thái riêng có như thế nào?

Việc sớm thiết lập được nền tảng hệ sinh thái rộng lớn, đặc quyền, có cơ sở tương tác với gần 30 triệu khách hàng, với trọng tâm kết nối qua ngân hàng số, sẽ giúp HDBank tối ưu hiệu quả hoạt động.

HDBank đang thúc đẩy giá trị hệ sinh thái riêng có như thế nào?

Hệ sinh thái riêng có là điểm cạnh tranh quan trọng trong định hướng bán lẻ của HDBank, cũng như cộng hưởng giá trị cho mỗi cấu phần.
Hệ sinh thái khách hàng độc đáo và rộng lớn

Chia sẻ tại Tọa đàm chủ đề “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù”do BizLIVE tổ chức, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của HDBank cho biết: HDBank đang sở hữu một hệ sinh thái riêng có, rất đặc thù, thuận lợi cho chiến lược phát triển bán lẻ mà trong đó chuyển đổi số và ngân hàng số đòi hỏi sự tương tác cao nhất.

Hệ sinh thái khách hàng của HDBank hiện được đánh giá là độc đáo ở khu vực. Cụ thể, ngân hàng này đã sớm thiết lập được nền tảng khách hàng rộng lớn, đặc quyền với cơ sở kết nối với gần 30 triệu khách hàng, hàng chục nghìn đại lý qua gắn kết với 3 trụ cột chính: ngân hàng - HDBank, tài chính tiêu dùng - HD SAISON và hàng không - Vietjet Air.

Lãnh đạo HDBank từng chia sẻ, hệ sinh thái là điểm cạnh tranh vô cùng quan trọng, là phần cứng trong chiến lược trở thành ngân hàng SME và bán lẻ hàng đầu; mang lại hiệu quả lớn từ khai thác bán chéo sản phẩm dịch vụ, mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững trong việc gia tăng quy mô, hiệu quả hoạt động, thu nhập, đặc biệt là thu phí dịch vụ.

Đó cũng là một môi trường đòi hỏi tương tác số cao nhất, để cộng hưởng và lan tỏa các giá trị từ mỗi thành viên và cho mỗi thành viên trong hệ sinh thái này.

Theo đó, việc ứng dụng chuyển đổi số đã được các đầu mối trong hệ sinh thái của HDBank thực hiện từ nhiều năm trước, thậm chí ngay từ những ngày đầu các thành viên ra đời và đi vào hoạt động.
Các sản phẩm từ hệ sinh thái

Theo lãnh đạo HDBank, từ hệ sinh thái ngân hàng có thể cung cấp giải pháp quản lý tiền mặt cho toàn bộ hệ thống đại lý bán vé trên cả nước của Vietjet. Gần như toàn bộ tiền bán vé của Vietjet sẽ quay về HDBank và thường xuyên duy trì trên tài khoản thanh toán từ 500 - 700 tỷ đồng.

Thêm vào đó, HDBank có thể cung cấp các giải pháp tài chính và tín dụng cho toàn bộ chuỗi giá trị của Vietjet, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống đại lý bán vé. Từ đó, ngân hàng sẽ phát triển và mở rộng cơ sở khách hàng cũng như gia tăng các chính sách lợi ích cho khách hàng của mình.

HDBank, HD SAISON và Vietjet đang cùng phối hợp triển khai giải pháp ví điện tử cùng chương trình tích điểm dành cho khách hàng trong hệ sinh thái 

Đối với HD SAISON - công ty liên doanh giữa HDBank với đối tác Credit Saison – nhà phát hành thẻ tín dụng số 1 Nhật Bản, các tương tác đang được triển khai trên nền tảng digital banking, webpay của Vietjet. Gần đây nhất, sản phẩm cho vay tiêu dùng mua vé máy bay của khách hàng Vietjet cũng đã được HD SAISON triển khai, gia tăng lợi ích cho các bên. Đây là cơ hội bán lẻ cho HD SAISON để mở rộng nền tảng khách hàng hơn 5 triệu người hiện nay và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới.

Bên cạnh đó, HDBank có thể bán chéo sản phẩm tới khách hàng của HD SAISON, như mở các tài khoản trả góp khoản vay hàng tuần/hàng tháng qua hệ thống HDBank. Khi thu nhập của những khách hàng này tăng lên, với lịch sử giao dịch và mối quan hệ được xây dựng, họ có thể trở thành khách hàng của HDBank.

Được biết, HDBank, HD SAISON và Vietjet đang cùng phối hợp triển khai giải pháp ví điện tử cùng chương trình tích điểm dành cho khách hàng trong hệ sinh thái. Với dịch vụ ví điện tử này, khách hàng của Vietjet dù đang mở tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào có thể dễ dàng chuyển tiền vào ví điện tử để thực hiện thanh toán vé máy bay trực tuyến và tích điểm thưởng. Những điểm thưởng này có thể được quy đổi thành ưu đãi khi khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Vietjet, HDBank và HD SAISON.
Thách thức nào đang chờ phía trước?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, với hệ sinh thái khách hàng rộng lớn, HDBank có thể cung cấp dịch vụ cho các tài khoản trung tâm của một số đối tác chính, từ đó tiếp cận các thành viên trong chuỗi cung ứng của các đối tác này, bao gồm khách hàng cá nhân (phân khúc bán lẻ) và các nhà cung cấp (phân khúc hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp SME). Phương pháp này tỏ ra có hiệu quả khá tốt bởi khi ngân hàng mở rộng cho vay mạnh mẽ thì hiệu quả hoạt động được cải thiện và chi phí dự phòng không bị ảnh hưởng do chất lượng tài sản được đảm bảo.

Tuy nhiên, thách thức của HDBank là tương tác, kết nối và kích thích lợi ích tốt nhất trong hệ sinh thái đó. Vì lợi ích của khách hàng tạo nên bền vững của hệ sinh thái. 

Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối ngân hàng cá nhân Ngân hàng HDBank 

“Khách hàng có nhiều nhu cầu, có cả một chuỗi hành trình nhu cầu, các nhà cung cấp dịch vụ, hay chuyển đổi số phải làm sao đảm bảo đáp ứng được tốt nhất nhu cầu, lợi ích đầu và cuối của chuỗi hành trình đó. Ví dụ như khách hàng Vietjet, khi bước xuống sân bay là đã có dịch vụ của HDBank kết nối dịch vụ di chuyển như với Grab, thanh toán dịch vụ không tiền mặt và tích hợp tài khoản ngân hàng… Đó là một chuỗi nhu cầu, dịch vụ và quan trọng nhất là làm sao tương tác, tạo giá trị tốt nhất, hài lòng nhất, trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng HDBank, cũng như Vietjet hay HD SAISON” - ông Trần Quốc Anh chia sẻ.

Để tiếp tục đáp ứng tốt nhất trải nghiệm và lợi ích của khách hàng trong hệ sinh thái đó, HDBank cho biết đang đẩy nhanh chiến lược phát triển hơn nữa các dịch vụ ngân hàng số, trong đó có sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực này.