Ủy ban Tài chính Quốc hội giám sát vốn kích cầu

Ủy ban Tài chính Quốc hội giám sát vốn kích cầuỦy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết đang tiến hành một số chương trình nhằm giám sát việc sử dụng vốn hỗ trợ lãi suất cũng như nâng cao năng lực quyết định và giám sát ngân sách tại các địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Đinh Văn Nhã cho biết cơ quan này vừa làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV nhằm khởi động chương trình giám sát hoạt động cho vay lãi suất.

Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ mở rộng giám sát tại một số ngân hàng thương mại khác và 5 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc và đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc giám sát thí điểm tại hai ngân hàng được coi là có số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất lớn nhất hiện nay đã cho thấy nhiều vấn đề cần xem xét.

Theo ông Đinh Văn Nhã, nhu cầu vốn hỗ trợ lãi suất hiện nay của nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Nhiều người, đặc biệt là bà con nông dân gần đây mới tiếp cận được thông tin về nguồn vốn này. Trong khi đó các ngân hàng lại đang có xu hướng giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 25 - 27% trong năm nay. Thực tế ở một số ngân hàng lớn chỉ còn có 25%.

"Tôi nghĩ việc siết tín dụng quá chặt là không cần thiết, đặc biệt là với nông dân. Vốn vay dành cho đối tượng này là không lớn nhưng lại có ý nghĩa xã hội quan trọng. Chỉ 10 tỷ đồng cho vay đã có thể giúp được rất nhiều người".

Ý kiến trên được ông Nhã đưa ra trong cuộc hội thảo do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Việt Nam (CFBA) và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội. Cũng trong buổi hội thảo này, về phía Ngân hàng Nhà nước, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất.

Theo ông Bảo, có thể coi đây làm một chính sách đúng đắn, hiệu quả và được sự ủng hộ của xã hội. Nhờ 4% lãi suất được hỗ trợ, chi phí đi vay của doanh nghiệp giảm từ 30 - 40% trong khi chi phí giá thành cũng giảm trung bình 2 - 6,5%. Hỗ trợ lãi suất thực chất là sử dụng công cụ thị trường để kích thích sản xuất kinh doanh, phù hợp và có lợi cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, chương trình cũng bộc lộ một số hạn chế như chồng chéo nhiều cơ chế, thủ tục. Các ngân hàng phải giải quyết cùng lúc nhiều chính sách gây khó khăn cho công tác quản lý. Lãi suất huy động cho các kỳ trung và dài hạn cao hơn 8% cho thấy sự luân chuyển vốn chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Cuối cùng là lãi suất VNĐ thấp khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đi vay VNĐ để mua USD, gây áp lực mạnh lên vấn đề tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Một nội dung quan trọng khác của hội thảo là khởi động Dự án "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam" do CFBA và UNDP phối hợp thực hiện. Dự án kéo dài trong 4 năm (2009 - 2012) với 3 hợp phần và tổng số vốn 5,2 triệu USD, phần lớn do UNDP cung cấp.

Nhiệm vụ quan trọng của nhất của dự án là minh bạch hóa, công khai tái khóa của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan dân cử khác từ trung ương đến địa phương, cải thiện công tác thống kê để từ đó đưa ra các quyết định và sử dụng ngân sách có hiệu quả.