Tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển tam nông: hứa hẹn bước đột phá mới
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. So với Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, dự thảo Nghị định có nhiều quy định cụ thể và phù hợp hơn với thực tế hiện nay, đặc biệt là quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay, về bảo hiểm nông nghiệp, trách nhiệm của các bộ, ngành... hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá mới thúc đẩy tam nông phát triển bền vững.
Đối tượng ưu tiên hàng đầu
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) luôn là một bộ phận vô cùng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, tam nông đã khẳng định là "trụ đỡ" quan trọng, là "hậu phương vững chắc" cho nền kinh tế, nhất là khi kinh tế gặp khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ Việt Nam không chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua một phần cũng là do sản xuất nông nghiệp ổn định.
Để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thì vấn đề đầu tư vốn cho lĩnh vực này phát triển là hết sức quan trọng. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tăng cường đầu tư vốn phát triển tam nông, trong đó có đầu tư qua "kênh" tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg (QĐ67) ngày 30/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ra đời đã góp phần khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư tín dụng vào khu vực này. Nếu như dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn năm 1998 (trước khi ban hành Quyết định số 67/QĐ-TTg) chỉ có 34.000 tỷ đồng thì đến cuối năm 2008 con số này đã đạt gần 250.000 tỷ đồng (tăng gấp hơn 7 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Đầu tư vốn cho tam nông đã thu hút được các ngân hàng thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giữ vai trò chủ đạo (với 2.300 điểm giao dịch cố định, hơn 1000 xe ô tô giao dịch lưu động để phục vụ giải ngân cho các xã, trung bình cứ 2 đến 3 xã là có một điểm giao dịch). 5 tháng đầu năm 2009, dư nợ cho vay của Agribank đã tăng 18%, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 94.831 tỷ đồng (bằng 30% tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất). Bên cạnh Agribank, thì các NHTM Nhà nước khác, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các NHTMCP và hơn 1000 QTDND cơ sở cũng rất tích cực đầu tư trên địa bàn nông thôn.
"Chiếc áo" đã chật
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng đối với tam nông vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Đặc biệt, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2009 của Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng (khoá X) về nông nghiệp nông dân, nông thôn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5 - 5%/năm; nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện nay... Để đạt được mục tiêu này thì việc tăng cường đầu tư vốn cho tam nông là hết sức quan trọng, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trong khi đó, QĐ67 có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Đơn cử như quy định mức cho vay không có bảo đảm tối đa đến 10 triệu đồng hiện nay là quá thấp, không phù hợp với nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân hiện nay. Bên cạnh đó, QĐ67 quy định dành một phần vốn ngân sách chuyển sang cho ngân hàng để cho vay; các NHTM được phát hành trái phiếu cao hơn lãi suất huy động bình thường tại cùng thời điểm là 1%/năm để cho vay nông nghiệp, nông thôn là không thực hiện được. Đặc biệt, đầu tư trong lĩnh vực tam nông rủi ro là khá lớn, tuy nhiên quy định về xử lý rủi ro tại QĐ67 rất chung chung, nên việc xử lý đã không thực hiện được. QĐ67 chưa tạo được sự phối hợp đồng giữa các bộ, ban, ngành trong triển khai các chính sách tín dụng và tạo động lực để các TCTD đầu tư vào tam nông.
Với những lý do trên, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.
Những bước đột phá
Theo các chuyên gia kinh tế, những quy định tại Dự thảo Nghị định đã bám sát và phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nông thôn hiện nay; hứa hẹn khi được ban hành sẽ tạo ra bước đột phá lớn đối với sự nghiệp phát triển tam nông.
Đột phá lớn nhất chính là những quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay. Dự thảo Nghị định quy định, TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản cho từng loại đối tượng khách hàng do TCTD xem xét quyết định, tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; cho vay đến 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, HTX. Bên cạnh đó, TCTD có thể thoả thuận với các tổ chức chính trị; tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức đoàn thể khác ở nông thôn cho vay tín chấp đối với một số đối tượng ở nông thôn, theo hình thức các tổ chức này thực hiện uỷ thác của TCTD để thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng.
Bước đột phá thứ hai là chính sách khuyến khích các TCTD đầu tư vào tam nông. Theo đó, hàng năm các TCTD còn được trích một tỷ lệ thu nhập trước thuế để bổ sung vào nguồn vốn cho vay. Các NHTM có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% tổng dư nợ thì không phải thực hiện chuyển 2% vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện cho vay chính sách. Bên cạnh đó, các TCTD đầu tư vào khu vực tam nông còn được tạo điều kiện giảm giá vốn thông qua việc cung ứng các nguồn vốn rẻ từ các nguồn tài trợ, ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước, của chính phủ và vay NHNN...
Dự thảo Nghị định cũng đã quy định rõ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới; nguyên tắc trích lập dự phòng rủi ro; nguyên tắc xử lý rủi ro nhất là hỗ trợ của Nhà nước trong việc xử lý rủi ro. Cụ thể Dự thảo Nghị định quy định: Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng do các nguyên nhân khách quan, vượt quá khả năng của TCTD, Nhà nước xem xét có chính sách cụ thể đối với từng trường hợp.
Một trong những nét mới nữa là Dự thảo Nghị định khuyến khích các khách hàng vay vốn của TCTD mua bảo hiểm đối với các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% phí bảo hiểm phải nộp cho khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm; TCTD có chính sách lãi suất ưu đãi để khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là một bước cần thiết để hạn chế rủi ro cho các TCTD tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định đã khắc phục thiếu sót của QĐ67 về sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành khi quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn cũng như hỗ trợ các TCTD đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.