Bảo hiểm tiền gửi cần có chỗ tựa vững chắc
Tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng không phải là những con số “lạnh lùng” mà là tiền tiết kiệm, có khi là tiền của cả đời người...
Chính vì thế, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, nhất là trong thời buổi thị trường tài chính toàn thế giới đang có những biến động khó lường, thì bản thân cơ quan thay mặt Chính phủ trực tiếp bảo vệ người gửi tiền - tổ chức bảo hiểm tiền gửi - cần phải “có chỗ tựa” vững chắc trên thị trường.
Cả thế giới đang phải ứng phó với suy thoái kinh tế. Để khôi phục niềm tin của công chúng, hầu hết các quốc gia đều nâng hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm hoặc cam kết bảo hiểm toàn bộ đối với các khoản tiền gửi của người dân. Trong khi đó, tại sao ở Việt Nam vẫn áp dụng hạn mức chi trả 50 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tín dụng?
Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nói:
- Trên thực tế, việc xử lý tiền gửi tại các ngân hàng đã gặp sự cố ở Việt Nam rất khác với các quy định pháp lý về bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là sự khác nhau giữa mức chi trả bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và thực tế chi trả bảo hiểm tiền gửi .
Cho đến nay ngoài quỹ tín dụng nhân dân, người gửi tiền đều ngầm hiểu rằng Nhà nước chi trả gần như 100% tiền gửi và không thực hiện qua Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với khu vực ngân hàng trong trường hợp sự cố. Thực tế này nói lên sự thiếu rõ ràng và chuyên nghiệp của hệ thống pháp lý có liên quan đến hoạt động gửi tiền và bảo hiểm tiền gửi.
Việc nhiều quốc gia châu Âu, Úc, Mỹ... nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên rất cao, thậm chí 100% là trường hợp đặc biệt trong điều kiện khủng hoảng, nhằm duy trì lòng tin của người gửi tiền và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Vấn đề đối với bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam lại khác. Ngoài việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi thì vấn đề cốt lõi cần phải tạo lập được là vai trò trực tiếp của bảo hiểm tiền gửi trong việc xử lý quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, đặc biệt là trong những trường hợp lợi ích này có thể bị tổn hại.
Mặt khác, việc tăng hạn mức chi trả bảo hiểm cũng đòi hỏi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải được cấp đủ vốn cần thiết để thực hiện trách nhiệm bảo hiểm của mình.
Như vậy, để tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam phát huy trên thực tế quyền lợi và nghĩa vụ của mình, ngoài việc nâng cao năng lực thể chế, cơ sở pháp lý, còn là việc giảm thiểu những can thiệp theo kiểu “làm thay” vai trò đặc thù của định chế tài chính này.
Vậy cụ thể sự thiếu rõ ràng và chuyên nghiệp của hệ thống pháp lý có liên quan đến hoạt động gửi tiền và bảo hiểm tiền gửi đó là gì, thưa ông?
Sự thiếu rõ ràng và chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ không phải vì không có tiền hay chưa có thời gian để nâng cao năng lực thể chế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam mà vì đụng chạm đến nghĩa vụ, quyền lợi của các cơ quan khác là chủ yếu. Một cơ quan bảo hiểm tiền gửi chuyên nghiệp phải làm được 3 việc chủ chốt.
Thứ nhất, vai trò chính của nó là phải bảo hiểm tiền gửi của dân trong trường hợp các tổ chức tín dụng gặp sự cố.
Thứ hai, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng theo chuẩn mực rủi ro để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền nhưng cũng nhằm giảm thiểu rủi ro cho bảo hiểm tiền gửi để khỏi phải chi trả bảo hiểm.
Thứ ba, phải đảm bảo được hệ thống ngân hàng - tài chính yên ổn, càng yên ổn thì nó càng phải chi ít tiền để bảo hiểm. Bởi vì, tổng tài sản của hệ thống tài chính là rất lớn so với vốn tự có của một công ty bảo hiểm tiền gửi, bất luận đó là bảo hiểm tiền gửi của Mỹ hay nước nào.
Nếu như cả hệ thống ấy đổ bể thì mình tổ chức bảo hiểm tiền gửi không thể nào gánh nổi. Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng và đặc biệt của bảo hiểm tiền gửi.
Và phải thừa nhận rằng, tính an toàn hệ thống trước hết là vì lợi ích của người gửi tiền - đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất trước những biến động của thị trường tài chính, vì vậy càng phải coi bảo hiểm tiền gửi có một vai trò quan trọng đặc biệt.
Ở Việt Nam, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thành lập với kỳ vọng rất lớn là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng nhưng lại không đủ vốn cho nó hoạt động với tư cách là người bảo hiểm tiền gửi thực sự cho tất cả những ai gửi tiền vào hệ thống tài chính nói chung, kể cả ngân hàng thương mại hay quỹ tín dụng nhân dân.
Bên cạnh đó, năng lực thể chế của bảo hiểm tiền gửi còn yếu. Chả lẽ 10 năm qua rồi mà một tổ chức quan trọng như vậy của Chính phủ lại không cải thiện được năng lực thể chế trên các mặt chủ chốt?
Chính vì vậy, nguyên nhân chủ yếu để cho bảo hiểm tiền gửi không thể thoát khỏi giai đoạn “sài đẹn” hiện nay chính là quyền hạn, trách nhiệm không được trao đầy đủ. Đơn cử hoạt động chi trả, mới chỉ bó hẹp trong khuôn khổ chi trả bảo hiểm cho các quỹ tín dụng nhân dân, còn các ngân hàng thương mại thì mặc dầu họ phải đóng bảo hiểm tiền gửi nhưng tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thực tế không có nghĩa vụ chi trả.
Lẽ ra, bảo hiểm tiền gửi cần phải được các ngân hàng (trong những trường hợp có sự cố) đăng ký bảo hiểm phá sản và nó phải đứng ra làm đầu mối xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Nó sẽ đứng ra thỏa thuận sáp nhập với ai hoặc thỏa thuận biến nợ thành vốn góp...
Tất cả những việc ấy phải là bảo hiểm tiền gửi đứng ra thực hiện (hoặc tòa án kinh tế) bởi nó là cơ quan chuyên nghiệp chứ không phải Ngân hàng Trung ương - cơ quan quản lý tiền tệ của Chính phủ - không thể nào đi thu xếp sự sống còn của một ngân hàng hay tổ chức tín dụng.
Ông từng nói rằng cơ chế giám sát của bảo hiểm tiền gửi thiên về giám sát rủi ro và đó mới thực sự là giám sát tài chính hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Chính phủ cần làm gì để cơ chế giám sát này phát huy tác dụng hơn nữa?
Ở Việt Nam, hệ thống giám sát tài chính còn rất yếu, không độc lập, khách quan và thiếu minh bạch. Sự yếu kém này thể hiện rõ nhất ở chỗ Chính phủ dường như phải bảo hiểm 100% tiền gửi ngay cả trong điều kiện bình thường (như trong điều kiện khủng hoảng vậy).
Và nếu không như thế thì không hiểu điều gì sẽ xảy ra và hệ thống tài chính có vững mạnh và ổn định được không. Điều này cho thấy Chính phủ cần tổ chức lại và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, đảm bảo tính độc lập khách quan và nghiêm minh vì lợi ích của nền kinh tế và sự ổn định của hệ thống tài chính chứ không phải lợi ích cục bộ của Bộ, ngành, nhóm quyền lợi.
Bộ Chính trị đã có kết luận và Chính phủ đã có quyết định chỉ đạo đổi mới hệ thống giám sát theo hướng này từ năm 2005/2006, nhưng chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi.