Lãi suất huy động VND lại "nóng" lên
Lãi suất (LS) huy động VND trong những ngày gần đây lại "nóng" lên. Các NHTM nhỏ liên tục đẩy LS lên cao hoặc tăng LS gián tiếp qua các hình thức khuyến mãi. Các NH lớn cũng "rục rịch" tăng theo.
Từ 17.8, NH Nam Việt đã tăng LS huy động dành cho cá nhân với mức tăng từ 0,2%- 0,25%năm, chủ yếu dành cho huy động ngắn hạn. Cụ thể, LS kỳ hạn 1 tháng tăng từ 7,9% lên 8,1%, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 7,95% lên 8,2%, 3 tháng từ 8,2% lên 8,4%. NHTMCP Sài Gòn vừa qua cũng thông báo tăng LS ở các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng lần lượt là 8,2%, 8,3% và 8,4%.
Các NH nhỏ tăng LS huy động cũng khiến cho các NH lớn rục rịch tăng theo, nguyên nhân chính không phải vì thiếu nguồn vốn mà sợ mất khách hàng. Báo cáo mới đây của NHNN cho thấy, LS giao dịch bình quân trên thị trường liên NH có xu hướng tăng khá cao.
Trong tháng 7, một số NHCP cũng đã công bố tăng LS huy động, nhưng chủ yếu là LS trung - dài hạn. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng đã được đẩy lên 10,2- 10,3%. Việc tăng LS huy động ngắn hạn trong những ngày gần đây mới thực sự làm cho thị trường "nóng" lên.
Một TGĐ NHCP cho biết: Trên 90% số vốn huy động hiện nay là ngắn hạn. Lượng tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm chiếm tỉ lệ rất thấp. Hầu như không có khách hàng nào chấp nhận gửi 36 tháng với mức LS hiện nay. Hiện LS huy động VND vẫn thấp hơn so với đầu năm 2008- khi chưa xảy ra suy thoái. Vì vậy, khách hàng vẫn kỳ vọng về dài hạn LS sẽ còn tăng một khi kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại.
Theo thông tin từ các NHTM, NH chỉ có lãi nếu chênh lệch LS đầu vào và đầu ra tối thiểu từ 3,5- 4%, tuỳ năng lực quản lý của từng NH. Với LS huy động hiện nay, nếu tập trung cho vay sản xuất kinh doanh LS tối đa 10,5%, các NH sẽ bị lỗ, nhưng nếu hướng đến cho vay tiêu dùng theo LS thoả thuận thì vẫn có lãi. Nhiều NH đã đưa LS cho vay tiêu dùng lên 15- 16%.
Tại cuộc toạ đàm do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức mới đây, một chuyên gia kinh tế đã đưa ra cảnh báo: Việc các NH sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay tiêu dùng trung và dài hạn có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối nguồn vốn.