Tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (21/11/2016)

“Bây giờ, nếu gửi tiền VNĐ với kì hạn là 12 tháng thì vẫn được 6%, trong khi đó USD là 0%. Rõ ràng, nếu nắm giữ VNĐ thì chúng ta vẫn là người thắng cuộc, trong tình huống lạm phát là 5%. Tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát, NHNN vẫn chưa phải can thiệp hay áp dụng biện pháp bình ổn nào. ” Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực. 
Tỷ giá biến động do yếu tố tâm lý

Nguyên nhân của đợt biến động tỷ giá những ngày qua được cho là thị trường thế giới đã có những biến động, nên Việt Nam không phải là ngoại lệ, và mức độ điều chỉnh của VND xem ra lại là nhỏ nhất (khoảng 0,93%). Trên thị trường thế giới, đồng đôla Mỹ đã tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ và dự báo FED sẽ sớm tăng lãi suất đồng đôla.

Theo phân tích của các chuyên gia thì việc nắm giữ VNĐ vẫn đang có lợi hơn USD không chỉ về lãi suất mà các dự báo cũng cho thấy thị trường ngoại hối được sẽ tiếp tục ổn định, với cơ chế điều hành tỷ giá mới (theo tỷ giá trung tâm) sẽ giảm thiểu được các tác động từ bên ngoài. Hơn nữa, với việc hạn chế sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam thì việc giữ VNĐ vẫn được nhiều người dân lựa chọn. Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng, theo quan sát của chúng tôi, hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng trong thời gian gần đây, kể cả trong 2-3 ngày gần đây lúc tỷ giá có điều chỉnh tăng thì vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng mua trước ngoại tệ, găm giữ hay đầu cơ như trước đây. Điều đó cho thấy, thị trường đã tự xử lý, điều tiết. “Với những cơ sở như vậy, nên có thể nhận thấy, đợt tỷ giá biến động này, NHNN vẫn chưa phải can thiệp hay áp dụng biện pháp bình ổn nào. Và người nắm giữ VNĐ vẫn đang có lợi hơn so với găm giữ ngoại tệ”, Ông Hà nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này chuyên gia kinh tế  TS. Cấn Văn Lực cho rằng, từ trước thời điểm ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, thì đồng VND không những không mất giá mà còn tăng khoàng 0,7%, Vậy thời điểm hiện nay, đồng VNĐ mất giá cứ cho là 1% đi thì bù qua, bù lại có thể thấy từ đầu năm đến giờ VNĐ là khá ổn định.

Diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND những ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý và sự biến động này của thị trường ngoại hối Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi mà một loạt đồng tiền của các quốc gia khác cũng đã phải điều chỉnh. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định và việc nắm giữ VNĐ vẫn có lợi hơn găm giữ ngoại tệ. Ông Nguyễn Đức Hưởng -  Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng, về nguyên nhân đợt biến động tỷ giá những ngày qua, tôi nghĩ có yếu tố tâm lý trong đợt điều chỉnh này. Cuối năm hay dồn cầu về thanh toán nên các doanh nghiệp, cá nhân nghĩ đến dự trữ ngoại tệ. Nhưng những điều này chỉ là tức thời. Các đồng ngoại tệ khác mất giá vì đồng USD lên nên tỷ giá nhích lên trong thời gian qua tuy tức thời nhưng cũng rất bình thường.
 
Tỷ giá sẽ tiếp tục xu thế ổn định

Cách thức điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua là khá linh hoạt, phù hợp với cung-cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến trên thị trường quốc tế. Đặc biệt với cách thức điều hành theo tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện nay, tỷ giá không còn bị chi phối bởi yếu tố tâm lý như trước đây. Bên cạnh hiệu quả của cách thức điều hành tỷ giá mới và các biện pháp điều hành khác của NHNN thì tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi cung- cầu trong nước tương đối thuận lợi.

Bên cạnh hiệu quả của cách thức điều hành tỷ giá mới và các biện pháp điều hành khác của NHNN thì tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi cung- cầu trong nước tương đối thuận lợi. Nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào nhờ cán cân thương mại 10 tháng đầu năm thặng dư 3,2 tỷ USD, FDI thực hiện 10 tháng đạt 12,7 tỷ USD (tăng 7,6% so với cùng kỳ 2015). Bên cạnh đó, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi một lượng cung ngoại tệ đáng kể từ trong nước, đó là nguồn ngoại tệ do tổ chức, cá nhân tích trữ thời gian trước đây được giải phóng, bán cho TCTD trong bối cảnh tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, lòng tin vào giá trị VND được tăng cường.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang cả đầu năm 2017, dù những biến động từ kinh tế thế giới vẫn đang tiếp diễn, nhưng nhiều phân tích cho rằng tỷ giá của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu thế ổn định, và thích ứng ngày càng tốt hơn với các cú shock từ bên ngoài. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hưởng -  Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng, các yếu tố nội tại trong nước có thể tác động đến sự điều chỉnh tỷ giá lại đang khá tích cực. Thậm chí nguồn cung về ngoại tệ đang khá dồi dào: như: Thặng dư thương mại của Việt Nam 10 tháng: xuất siêu 3,2 tỷ đôla Mỹ; Giải ngân vốn FDI cũng đạt khá với mức 12,7 tỷ đôla Mỹ...” Với lực dự trữ ngoại tệ hiện nay vào khoảng 41 tỷ đôla Mỹ, tức là đã gấp 6-7 lần so với 10 năm trước, nên tôi nghĩ nguồn lực này khá dồi dào và luôn sẵn sàng. Nhưng tôi nghĩ, NHNN vẫn chưa cần đến nguồn lực này, vì cách điều hành tỷ giá trung tâm của chúng ta đang rất khoa học, xoay quanh 1 rổ các đồng tiền khác, chứ không chỉ 1 mình USD, nên nó thích ứng nhanh và nhạy.  Ngoài ra, nguồn kiều hối được dự báo tăng khá, dự kiến đạt 14 tỷ đôla Mỹ.”, ông Hưởng nhấn mạnh.

 Còn ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng,  tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Từ đó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cần thiết. Chúng ta không nên lo lắng quá,  thị trường thế giới có biến động mạnh nên tỷ giá trong nước biến động là tất yếu.

Ông Thành cho biết thêm, trong trường hợp Fed tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 thì cũng có thể không có tác động lớn đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá vì dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn, còn dòng vốn đầu tư gián tiếp FII có quy mô nhỏ nên khó tác động được đến thị trường ngoại tệ trong nước. “Đối với tác động tâm lý, khi thị trường có những biến động, thì với cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt như hiện nay, tác động của yếu tố tâm lý sẽ được giảm thiểu. Mặc khác, Thông tư 15/2015/TT-NHNN về giao dịch ngoại tệ của TCTD cũng giúp cho nhu cầu ngoại tệ do tâm lý đẩy lên như những năm trước đây sẽ không còn nhiều vì quy định tại Thông tư hạn chế việc khách hàng mua ngoại tệ giao ngay cho các nhu cầu chưa đến hạn thanh toán”, ông Thành phân tích.
 

Quang Tùng