Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trong những tháng cuối năm 2016
Ngày 11/8/2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2016 và định hướng trong thời gian tới. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi họp báo, cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN. Đại diện Agribank, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - tham dự họp báo.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo
Báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2016, ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2016, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (trong đó vốn huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Thanh khoản của TCTD tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên NH giảm so với cuối năm trước. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất của các TCTD về cơ bản diễn biến ổn định, từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTMCP đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
Ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ - trả lời phỏng vấn tại buổi Họp báo
NHNN cũng đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến cung - cầu ngoại tệ trong nước, thị trường tài chính thế giới, phù hợp với mục tiêu CSTT và thực hiện đồng bộ các công cụ để hỗ trợ tỷ giá khi cần thiết, thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực. Tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND//USD). Thanh toán thị trường tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, hệ thống TCTD mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, nhờ đó, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Tín dụng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, đến ngày 29/7/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Về xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 6/2016 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Chia sẻ thông tin về xử lý nợ xấu, ông Đoàn Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc VAMC cho biết tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC là 8,88 nghìn tỷ đồng; khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là 7,24 nghìn tỷ đồng.
Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thông tin thêm: Tăng trưởng tín dụng 2 năm gần đây tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, cho vay nông nghiệp nông thôn (không bao gồm dư nợ của NHCSXH và Ngân hàng Phát triển) đến cuối tháng 7/2016 ước đạt 900 ngàn tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu tăng trên 3%; công nghiệp hỗ trợ tăng 3%; DN ứng dụng công nghệ cao tăng xấp xỉ 1%; DNNVV tăng 3,3%. Ông Đông cũng cho biết, trong những tháng đầu năm cho vay nông nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn do rét đậm rét hại ở miền núi phía Bắc, tình hình xâm nhập mặn ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hiện tượng thủy sản chết bất thường ở các tỉnh miền Trung. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các TCTD trước hết trong thẩm quyền rà soát toàn bộ các khoản cho vay để gia hạn nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, đồng thời phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và các ngành chức năng rà soát các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn ở các tỉnh này để nếu đủ điều kiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để khoanh nợ, hoãn nợ theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ TD các ngành KT - trả lời Họp báo
Về thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, NHNN đã phối hợp các cấp ủy chính quyền địa phương và cho đến nay đã tổ chức được 540 cuộc đối thoại giữa cấp ủy chính quyền địa phương, các NHTM và các doanh nghiệp. Qua các cuộc đối thoại này, ngành ngân hàng đã nắm bắt được những khó khăn trong thực tế của các đơn vị để có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ. Đến nay, ngành Ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn được cho trên 50.000 doanh nghiệp và số tiền cho vay mới thông qua các hội nghị cam kết trên 800.000 tỷ đồng, so với thời điểm tháng 6/2015 tăng gần 4 lần.
Về các chương trình trọng điểm, trong đó cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ cho ngư dân mua sắm tàu để đánh bắt xa bờ, đến nay 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước đã ký hợp đồng nhận đóng mới và nâng cấp 651 con tàu với tổng số tiền cho vay 6.421 tỷ đồng và trong vòng 1 năm từ tháng 6/2015 đến nay, số tiền cam kết cho vay lĩnh vực này tăng gần 9 lần.
Tại buổi họp báo, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng giám đốc NHCSXH cũng giải đáp băn khoăn của dư luận về quy định của NHCSXH: Từ ngày 15/8, đối tượng vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) phải có sổ tiết kiệm tại chính ngân hàng cho vay với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với NHCSXH, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn. Ông Tế cho biết, theo quy định này, sau khi giải ngân món đầu tiên, khách hàng được ân hạn 1 năm, tức là 1 năm đó không phải trả gốc, chỉ phải trả lãi. Với tiền gửi tiết kiệm, lãi suất được NHCSXH đề nghị với NHNN bằng với lãi suất tiền vay đã được Chính phủ ban hành là 4,8%/năm. Bởi vậy, mức độ ảnh hưởng của việc gửi tiền tiết kiệm này không ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng. Cũng theo đại diện NHCSXH, quy định này nhằm mục đích là tạo cho người thu nhập thấp có ý thức trả nợ và khẳng định họ có thu nhập thường xuyên để có thể trả nợ trong những năm tiếp theo.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/1/2016 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến lạm phát.
Phó Thống đốc cũng thông tin thêm, NHNN tiếp tục điều hành CSTT theo chỉ tiêu định hướng, sử dụng công cụ, biện pháp cố gắng ổn định lãi suất thị trường. Trong thời gian qua, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành các Chỉ thị, yêu cầu các TCTD thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động như cân đối nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn hợp lý để từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, cũng đã có những NH thực hiện giảm lãi suất cho vay với một số lĩnh vực, giảm lãi suất cho vay với kỳ hạn trung và dài hạn.
Nhật Minh