Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ

Ngày 12/8/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (Kế hoạch hành động). Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được thực hiện trực tuyến thông qua 63 đầu cầu tại chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị nhằm quán triệt triển khai Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Agribank Trương Ngọc Anh tham dự Hội nghị. 
 
Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ


Ngày 28/6/2016, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1355/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (Kế hoạch hành động). Theo đó, với mục tiêu tổng quát là tập trung hỗ trợ cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Kế hoạch hành động đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến 5 chỉ số thành phần của Chỉ số tiếp cận tín dụng (gồm các nội dung: Xếp hạng tín dụng quốc gia; Mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính; năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho khu vực tư; Mức độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống tài chính; Mức độ phát triển của hệ thống thông tin tín dụng) và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính của ngành Ngân hàng. Bám sát 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp này. Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng đã xác định các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD.

Để triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nêu tại Kế hoạch hành động, đảm bảo đúng lộ trình và đạt được kết quả như dự kiến, Thống đốc đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 28/6/2016 để chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tổ chức thực hiện, đồng thời xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai của từng đơn vị. Đến nay, tất cả các đơn vị trong toàn hệ thống ngân hàng đã xây dựng Chương trình hành động trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của Ngành, trong đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với tiến độ, lộ trình trong ngắn, trung và dài hạn hướng vào mục tiêu hỗ trợ cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, các giải pháp cũng đã chú trọng công tác cải cách hành chính nội vụ, góp phần đẩy nhanh tiến trình, chất lượng xử lý công việc của từng đơn vị. Điều này cho thấy, các đơn vị trong toàn Ngành đã nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Như vậy, với các giải pháp thiết thực, lộ trình cụ thể, công khai, minh bạch và sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của toàn hệ thống ngân hàng từ Trung ương đến địa phương sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Agribank Trương Ngọc Anh cho biết, tính đến 31/7/2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của  Agribank đạt 665.513 tỷ đồng, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 70%. Agribank đã tập trung nguồn lực, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc cho vay doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngay từ đầu năm 2016, Hội đồng thành viên Agribank đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐTV chỉ đạo thực hiện trong toàn hệ thống Agribank việc cơ cấu lại hoạt động tín dụng theo hướng nâng dần tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên vốn cho vay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chủ động tiếp cận, đánh giá nhu cầu, giao, giám sát và điều chỉnh kịp thời chi tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh; đẩy mạnh huy động vốn khu vực thành thị để cân đối, điều chuyển nguồn vốn hợp lý, hiệu quả đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong năm 2015, Agribank dành nguồn vốn 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn nội tệ lãi suất tối đa 5,5%/năm đã hỗ trợ, thu hút và tăng được thị phần cho vay khách hàng doanh nghiệp. Năm 2016, Agribank tiếp tục triển khai gói cho vay khách hàng doanh nghiệp ưu đãi lãi suất ngắn hạn từ 6% đến 7%/năm, trung, dài hạn từ 8% đến 9,5%/năm, gói tín dụng xuất khẩu lãi suất nội tệ từ 4%-5%/năm. Giảm thiểu các quy trình, thủ tục tiếp nhận hồ sơ vay vốn, công khai các sản phẩm tín dụng, thời gian giải quyết tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương, đơn vị trong cả nước đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, Hội nghị này được tổ chức nhằm thống nhất quan điểm, chủ trương và giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng tới tất cả các đơn vị trong toàn Ngành. Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc triển khai Kế hoạch hành động này là nhiệm vụ trong tâm của Ngành trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Do đó, Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tại đơn vị của mình.

Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt Chương trình hành động tới từng công chức, viên chức, người lao động nắm bắt nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và triển khai thực hiện. Cùng với đó đẩy mạnh quán triệt về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; vai trò, ý nghĩa của công tác cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phó Thống đốc cho rằng, đây là nền tảng quan trọng để thực hiện thành công Chương trình hành động của ngành Ngân hàng.

Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của Ngành và lưu ý các đơn vị thuộc trụ sở chính NHNN thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện tại các cuộc họp giao ban của Ban Lãnh đạo NHNN; NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vừa triển khai tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, vừa thực hiện tốt Chương trình hành động của địa phương, trong đó, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bởi đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp một cách rất thiết thực; Các TCTD tổ chức quán triệt, phổ biến Chương trình hành động của Ngành trong toàn bộ hệ thống của mình, thực hiện xây dựng Chương trình, kế hoạch, có giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chi nhánh để triển khai thực hiện. Cùng với đó, các TCTD phải quan tâm cải tiến thủ tục, quy trình xử lý công việc của mình, quy định và công khai rõ hồ sơ, thủ tục, thời hạn giải quyết… theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với Ngân hàng.

 Quang Tùng