Đơn giản hóa, công khai các thủ tục hồ sơ vay vốn (03/11/2016)

“Cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, đồng thời phải đảm bảo hỗ trợ trực tiếp, tích cực cho sự phát triển doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong giai đoạn 2016-2020. Đến cuối năm 2016, các TCTD tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục vay vốn công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp và người dân biết về thủ tục, điều kiện, hồ sơ trong quan hệ vay vốn của doanh nghiệp và người dân với ngân hàng. Không để doanh nghiệp nói đủ điều kiện mà không được vay vốn…”, đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Doanh nghiệp trực tiếp được hưởng lợi

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đề xuất những mục tiêu lượng hóa, giải pháp thực hiện có tính khả thi nhằm xóa bỏ các yếu tố gây cản trở về thủ tục hành chính trong hoạt động của TCTD, doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp. Chỉ hơn 1 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
 
Đơn giản hóa, công khai các thủ tục hồ sơ vay vốn (03/11/2016)

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, mục tiêu trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng đó là tập trung hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện các giải pháp để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN; cải tiến đơn giản hóa các thủ tục giao dịch của TCTD với khách hàng. “Có thể lý giải thêm về điểm khác biệt này, nhiệm vụ cải cách, đổi mới không chỉ được thực hiện đối với các đơn vị trong hệ thống NHNN mà còn chỉ đạo, yêu cầu các TCTD cũng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ tốt hơn mặc dù TCTD là doanh nghiệp không có chức năng quản lý nhà nước và ban hành thủ tục hành chính nhưng cải cách, đổi mới, tạo thuận lợi trong các hoạt động, quan hệ có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán…thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ trực tiếp hưởng lợi ngay và cũng mang lại lợi ích cho chính các TCTD sau đó”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp có trách nhiệm rất lớn, quan trọng của hệ thống ngân hàng trong đó có sự đóng góp quan trọng của các TCTD. Nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các mục tiêu, giải pháp trong kế hoạch hành động của NHNN, cũng đồng thời tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh. Kết quả công tác cải cách TTHC, đơn giản hóa quy trình cung cấp dịch vụ, cắt giảm giấy tờ, thời gian, chi phí giao dịch... là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và người đứng đầu các đơn vị. Ông Nguyễn Duy Thành Giám đốc công ty xuất nhập khẩu lâm sản Sinh Thành (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết, so với những giai đoạn trước đây, thì nay thủ tục vay vốn ngân hàng đã thông thoáng hơn nhiều, doanh nghiệp, đặc biệt những DNNVV đã tiếp cận vốn  tín dụng thuận lợi hơn. Trước đây DN tôi phải tìm dến ngân hàng, nay ngân hàng đã tự tìm đến DN động viên vay vốn khi nhìn thấy cơ sở vật chất, nhà xường, dòng tiền của DN.

Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của ngân hàng, từ chỗ chỉ xuất khẩu một thị trường, nay công ty đã mở rộng sang nhiều thị trường khác, doanh thu tăng gần gấp đôi. Ông Thành cho biết thêm, trước đây dù có cơ hội nhưng không có tài sản thế chấp nên doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản của ông không thể nâng hạn mức vay vốn, vì đất lập xưởng sản xuất chưa có sổ đỏ. Với đồng vốn eo hẹp, công ty chỉ đủ sức xuất khẩu sang một thị trường. Từ khi có chính sách tín dụng ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp của ông Thành đã mở rộng quy mô sản xuất ra thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông. “Doanh thu của doanh nghiệp đã tăng từ 1 triệu USD lên 2 triệu USD mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 75 lao động, nếu không được tiếp cận chính sách mới cho vay xuất khẩu thì doanh nghiệp không có được như ngày hôm nay”, ông Thành tâm sự.

Đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng

Sau gần 3 tháng thực hiện kế hoạch hành động, hệ thống các TCTD đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả cụ thể, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Các TCTD đã tích cực triển khai thực hiện đổi mới, cải tiến các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phục vụ của đội ngũ nhân viên, thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro; xây dựng tiêu chuẩn nội bộ về chất lượng dịch vụ, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, xây dựng cơ chế nội bộ chăm sóc khách hàng…
 
Đơn giản hóa, công khai các thủ tục hồ sơ vay vốn (03/11/2016)

Tại Agribank, trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin được hiện đại hóa, Agribank hiện đang cung cấp hơn 200 sản phẩm dịch vụ, được phân thành 10 nhóm sản phẩm dịch vụ với 6 kênh phân phối. Công khai thủ tục, mẫu biểu đối với các sản phẩm dịch vụ, biểu phí, lãi suất tiền gửi, tỷ giá hối đoái trên website Agribank để khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ; mở 03 chuyên mục lớn cho quảng bá SPDV tương ứng với 03 đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, định chế tài chính. Riêng đối với chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”, thời gian thẩm định và phê duyệt cho vay được giảm bớt so với quy định hiện hành của Agribank, cụ thể: cho vay ngắn hạn còn tối đa 3 ngày làm việc, cho vay trung - dài hạn còn tối đa 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, thông tin cần thiết đối với khoản vay.

 Kiểm tra về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực iện Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ tại một số NHTM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc thực hiện kế hoạch hành động  của ngành Ngân hàng đã có những kết quả bước đầu, thể hiện rõ nét qua việc các ngân hàng cắt giảm, cải tiến thủ tục hành chính trong các giao dịch với người dân và doanh nghiệp; đã và đnag tích cực giảm lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp;nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, đặc thù được các NHTM triển khai; nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại được triển khai ứng dụng mang lại sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân…

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng, trong năm 2016 cần hoàn thành việc công bố công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất... tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn các loại hình dịch vụ, chi phí phù hợp, đồng thời có cơ sở để giám sát chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của cả ngân hàng và khách hàng; Rà soát lại toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng để cắt bỏ những thủ tục, giấy tờ, quy định không cần thiết, không hợp lý, rút ngắn chi phí, thời gian giao dịch, giảm thiểu phiền hà người dân.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, vừa qua, NHNN đã hoàn thành việc xây dựng chuyên mục “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử NHNN, đề nghị các ngân hàng tích cực tham gia để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về các kết quả đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, về tính ưu việt của các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng. Đồng thời, cần quán triệt nguyên tắc, đẩy mạnh cải cách TTHC, cải tiến các quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, bảo mật đặc biệt là phải phòng ngừa rủi ro trong việc cung ứng dịch vụ, nhất là lĩnh vực thanh toán, tín dụng, tiền tệ...

Quang Tùng