Tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ và hiệu quả (5/9/2011)

Tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định thời gian tới tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các biện pháp điều hành, quản lý thị trường tín dụng, tiền tệ, ngoại hối. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết với các biện pháp của NHNN vừa đưa ra, nhất định trong thời gian tới mặt bằng lãi suất sẽ có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thực hiện hạn mức tín dụng không ảnh hưởng đến lạm phát

Tín dụng đối với nền kinh tế đến 19/8/2011 ước tăng 0,59% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 1,05%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,82%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,15%. Giải thích nhận xét của các nhà báo về việc dư địa (room) tăng trưởng  tín dụng trong những tháng cuối năm còn khá nhiều, nếu thực hiện hết, cộng với việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: đến nay tăng trưởng dư nợ thực tế (tính cả các khoản đầu tư) của hệ thống ngân hàng đã khoảng 11,7%. Nếu thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ chỉ tăng dưới 20%, có thể là 18% thì đến thời điểm này đã thực hiện được trên 70% kế hoạch (số tăng này cao hơn so bình quân các năm trước). Vì vậy, mức tăng tín dụng những tháng cuối năm không nhiều như dư luận dự đoán và vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Mặt bằng lãi suất VND tương đối ổn định

Trong tháng Tám, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND tương đối ổn định. Với nhiều biện pháp quyết liệt, hệ thống ngân hàng tiếp tục thu hút được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 19/8/2011 ước tăng 3,04% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 3,32%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,81%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 8,44%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết lãi suất huy động VND  hiện nay ở mức chênh lệch lớn cao hơn so mặt bằng lãi suất huy động USD. Tỷ giá tương đối ổn định và tiếp tục duy trì sự ổn định đến cuối năm, đảm bảo cho người gửi VND có mức lãi suất cao trong tương quan với USD. Đây cũng là giải pháp củng cố nâng cao vị thế tiền Việt Nam, đồng thời đảm bảo an toàn, lợi ích của người gửi tiền tiết kiệm VND.

Trả lời câu hỏi liệu việc giảm lãi suất cho vay có phải là ý muốn chủ quan chính sách không, có ảnh hưởng đến lạm phát không? Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “ Mặt bằng lãi suất đang và sẽ hạ là theo diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm. Cung-cầu vốn của nền kinh tế cho thấy nếu cứ để mức lãi suất cao ngân hàng thương mại cũng không cho vay ra được. Như vậy, giảm lãi suất là đòi hỏi của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng thương mại. Chúng tôi cho rằng với các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra nhất định trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực trong mặt bằng lãi suất nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát và hai điều này không có gì mâu thuẫn với nhau”.

Hiện nay mức lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 16-21%/năm, cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18-22%/năm.
 
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã có những Chương trình tín dụng với mức lãi suất ưu đãi từ 17-18%/năm dành cho các đối tượng ưu tiên như: kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính sách tiền tệ chỉ liên quan đến lạm phát cơ bản
 
Về một số ý kiến cho rằng lạm phát tăng cao trong thời gian qua bắt nguồn từ nguyên nhân tiền tệ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói trong lạm phát có nguyên nhân tiền tệ, nhưng trong từng thời điểm cụ thể, ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến tình hình lạm phát có thể khác nhau. Tám tháng đầu năm CPI đã tăng 15,68% so cuối năm trước và tăng khoảng 22% so cùng kỳ năm 2010 (dự đoán đến cuối năm CPI sẽ tăng 18%). Trong đó lạm phát cơ bản (đã loại trừ các yếu tố giá cả hàng hóa khác hay các yếu tố có biến động bất thường) là 8,3%, và tăng so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 13%. Phần lạm phát cơ bản mới do chính sách tiền tệ gây ra còn lại là các yếu tố khác.

Theo thông tin từ NHNN, tổng phương tiện thanh toán đến 19/8/2011 ước tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 7,83% so với cuối năm 2010. Như vậy, so chỉ tiêu chung của cả năm, 8 tháng đầu năm mức tăng tổng phương tiện thanh toán mới đạt trên 50% kế hoạch năm (15-16%).

Chính sách quản lý vàng theo phương châm dân giàu nước mạnh


 Trong tháng 8/2011, để bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá và bảo vệ lợi ích của người dân, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép nhập khẩu vàng (15 tấn) cho một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đồng thời, yêu cầu các đơn vị này khẩn trương bán vàng ra thị trường để tăng nguồn cung, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng, thực tế đến nay các đơn vị mới nhập khoảng 7 tấn, thị trường vàng trong nước đã dần ổn định trở lại, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới dần được thu hẹp. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì lượng vàng ở Việt Nam gần như 100% là vàng nhập khẩu. Vì vậy, quản lý là  bình ổn giá theo biến động của giá vàng thế giới, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ vì cứ khi nào giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng là có nhập lậu và đầu cơ. NHNN có đang trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân bằng cách Nhà nước đứng ra huy động vàng với  phương châm dân giàu, nước mạnh. Đề án đã được đồng ý về mặt nguyên tắc.

Làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền


Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cảm ơn các nhà báo luôn quan tâm đặc biệt đến các giải pháp của NHNN và diễn biến hoạt động của thị trường tiền tệ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết dù rất bận rộn, chưa có thời gian trực tiếp gặp gỡ đông đảo các nhà báo, nhưng ông vẫn quan tâm đặc biệt đến công tác thông tin truyền thông. Ngay đầu tháng 8, khi thị trường vàng diễn biến bất thường. Ngân hàng Nhà nước  đã có thông cáo báo chí trên Website giải thích cho người dân về diễn biến giá vàng và thông báo quyết định cho nhập khẩu vàng của NHNN. Quyết định này đã góp phần ổn định tâm lý người dân. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự cuộc họp giao ban báo chí Bộ Thông tin và truyền thông với Tổng biên tập các cơ quan báo chí trong cả nước thông báo tình hình thị trường ngoại hối (diễn biến giá vàng, tỷ giá) và các biện pháp quản lý nhà nước. Đồng thời trả lời thẳng thắn, cởi mở các câu hỏi về các khía cạnh liên quan đến chỉ đạo, điều hành của  NHNN. Thời gian tới,  NHNN sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa  việc thông tin-truyền thông khách quan, công khai, minh bạch  cho  người dân và các thành viên tham gia thị trường. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng mong muốn bên cạnh việc đưa tin về diễn biến thị trường tiền tệ, các cơ quan báo chí cũng chú trọng đưa tin về các giải pháp chỉ đạo, điều hành của NHNN.
 
Thanh Hà - theo website NHNN