Ngân hàng Nhà nước có thể giữ vàng cho dân (24/8/2011)
Cân đối xuất nhập khẩu chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài Ngân hàng
Nhà nước sẽ triển khai các kế hoạch đồng bộ, trong đó có cả việc huy
động nhằm giữ vàng thay dân, bình ổn thị trường và tăng nguồn lực quốc
gia, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Có mặt tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Bộ Thông tin Truyền thông để chia sẻ về tình hình thị trường vàng và hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận những diễn biến phức tạp thời gian qua.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Cùng với việc giá thế giới tăng vọt (có lúc đã lên tới 1.917 USD một ounce) thị trường trong nước cũng biến động mạnh. Đáng ngại là việc giá trong nước nhiều lúc không biến động với biên độ lớn hơn nhiều so với thế giới, có lúc hơn 1,2 triệu đồng một lượng.
“Kinh nghiệm cho thấy nếu giá trong nước cao hơn thế giới trên 400.000 đồng là không ổn, bắt đầu có hiện tượng đầu cơ, làm giá. Dưới mức này thì chấp nhận được”, Thống đốc khẳng định.
Giá vàng tăng cao thời gian qua, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, có nguyên nhân chính là diễn biến thế giới, khi giới đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là việc Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ.
Theo Thống đốc, do Việt Nam là một nước tiêu thụ vàng, không có mỏ khai thác lớn nên không thể có nhiều vàng để bán ra can thiệp. Số vàng hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, nên nhiệm vụ trước mắt là điều hành làm sao để giá trong nước hài hòa với thế giới ở mức độ cho phép. Nếu mức chênh lệch quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm giá.
"Quan điểm chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2011 là ổn định tỷ giá, đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường", ông Bình nói.
Ông cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho nhập khẩu vàng khi cần thiết để bình ổn thị trường. Việc nhập khẩu này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cán cân ngoại thương, bởi cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, không có chuyện thua lỗ trong đợt nhập vàng vừa qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ cho nhập khi thấy xu hướng còn lên. Trong số quota 5 tấn đã cấp, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 3 tấn.
Để bình ổn thị trường vàng trong trung và dài hạn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đang triển khai hai công việc quan trọng. Trước hết là hoàn tất nghị định quản lý kinh doanh vàng theo hướng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quản lý nhà nước, đảm bảo lợi ích của người nắm giữ vàng cũng như hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Dự thảo nghị định đã được hoàn tất và gửi tới các bộ, ngành để trưng cầu ý kiến, trong đó khẳng định chủ trương hạn chế kinh doanh, sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan đầu mối tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Việc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất sẽ tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, nhưng Thống đốc khẳng định sẽ rất hạn chế.
Liên quan tới khâu lưu thông, Ngân hàng Nhà nước dự kiến chỉ cho một số ít doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có kinh nghiệm thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân, nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.
Đề án thứ hai được Thống đốc đặt nhiều hy vọng, đó là đưa ra giải pháp tổng thể cho thị trường, làm sao để phát huy tối đa số vàng đang nằm trong dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng trong nền kinh tế hiện khoảng 300-500 tấn. Khi các ngân hàng được phép huy động, cho vay và hoán đổi vàng thành vốn tiền đồng để kinh doanh, thời cao điểm, 50-60% số vàng này nằm trong hệ thống ngân hàng. Nhưng để hạn chế rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước cấm hoạt động này. Giao dịch vàng tài khoản, đặc biệt là giao dịch tài khoản ở nước ngoài, các ngân hàng cũng phải dừng triển khai.
“Người có vàng mà chỉ cất giữ ở nhà sẽ gây rủi ro cho bản thân họ và và xã hội, đồng thời số vốn nằm chết trong vàng không được phát huy. Giờ nếu cho ngân hàng huy động mà không cho vay ra, thì cũng lãng phí hoặc họ sẽ phải tìm cách này hay cách khác để kinh doanh. Nếu kinh doanh có hiệu quả như chúng ta mong muốn thì tốt, nhưng cũng rất rủi ro. Vậy tại sao không để Ngân hàng Nhà nước thay mặt nhà nước huy động số vàng đó? Dân sẽ có chỗ gửi vàng an toàn mà Nhà nước lại tận dụng được để tăng dự trữ ngoại hối, khi cần có thể chuyển đổi ra đồng vốn kinh doanh hoặc can thiệp thị trường khi cần thiết”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề.
Dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lý của mình là các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của ông Bình, lượng vàng Ngân hàng Nhà nước có thể huy động trong dân ít nhất cũng phải tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD.
“Để triển khai đề án này còn cần nhiều vấn đề kỹ thuật cần xử lý, nhưng đề án này cùng với nghị định vàng sẽ giúp đảm bảo tối đa quyền lợi người dân, bình ổn thị trường, tạo nguồn lực quốc gia”, ông nói.
Minh Thư - theo Vnexpress