Thông tin về điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước từ ngày 6 - 10/6/2011

Inđônêsia: Ngân hàng TW Inđônêsia công bố giữ nguyên lãi suất ở mức 6,75%. Trước đó, vào tháng 2/2011, NH này đã nâng lãi suất thêm 25 điểm lên mức 6,75%. Tháng 5, lạm phát tại Inđônêsia đang ở mức 5,98%. Lạm phát của tháng 4 là 6,16% và tháng 3 là 6,65%. Chính phủ Inđônêsia đề ra mức lạm phát mục tiêu năm 2011 là 5% +/- 1%.
NHTW Inđônêsia cho biết: NH sẽ tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc quản lý các luồng vốn vào và khả năng thanh khoản trong nước, cũng với việc tăng tỷ giá hối đoái phù hợp với diễn biến tăng tỷ giá trong khu vực để kiểm soát tình hình lạm phát của Inđônêsia. 

Australia: Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) đã công bố giữ nguyên mức lãi suất 4,75% sau cuộc họp bàn chính sách tiền tệ hàng tháng. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) giữ nguyên mức lãi suất cơ bản.

New Zealand: NHTW New Zealand công bố tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản của nước ở mức 2,5%. Tháng 3 năm nay, để khắc phục hậu quả nặng nề của trận động đất xảy ra tại vùng Canterbury, NHTW nước này đã cắt giảm lãi suất 50 điểm, đưa lãi suất xuống mức 2,5%. Quý I năm nay, lạm phát giá tiêu dùng của nước này đã ở mức 4,5%, cao hơn so với mức 4% của Quý IV/2010, và cũng cao hơn mức lạm phát mục tiêu (1-3%) do giá cả tăng.

Anh: Ngân hàng Trung ương Anh đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5% và tiếp tục chương trình mua tài sản trị giá 200 tỷ Bảng Anh. Lạm phát của Anh trong tháng 4 là 4,5%, cao hơn so với 4% của tháng 3 và cao hơn gấp đôi mức lạm phát mục tiêu (2%).

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB): ECB tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 1,25%; lãi suất cho vay 2% và lãi suất tiền gửi là 0,5%. Thông tin về quyết định này, ECB cho biết: “ Những số liệu mới đây đã khẳng định đà tăng trưởng tích cực của các hoạt động kinh tế trong khu vực đồng tiền chung euro, cùng với những bất ổn vẫn còn đang tiếp tục. Nhưng quan trọng là, diễn biến giá cả trong thời gian gần đây không tạo ra áp lực lạm phát trên diện rộng”. Mức lãi suất 1,25% được ECB duy trì từ tháng 4/2011.

Ba Lan: Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã tăng lãi suất chuẩn kỳ hạn 7 ngày thêm 25 điểm đưa lãi suất này từ mức 4,25% lên 4,5%. Bên cạnh đó, NH này cũng công bố một số lãi suất chủ chốt khác như: Lãi suất lombard 6%; lãi suất tiết kiệm là 3%/năm; và lãi suất chiết khấu là 4,75%.

Brasil: Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm, đưa lãi suất lên mức 12,25%. Đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm nay, BCB thực hiện điều chỉnh lãi suất.

Đây là một nỗ lực của BCB nhằm kiểm soát lạm phát mà không gây ra sự tăng giá của đồng nội tệ và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong 12 tháng qua vẫn cao hơn chỉ tiêu đặt ra của chính phủ và trong tháng 5/2011 chỉ số lạm phát của Brazil đã lên tới 6,55% (lạm phát mục tiêu do chính phủ đề ra là 4,5%, với dao động ±2%).

Tại cuộc họp gần đây nhất của BCB vào ngày 20/4, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã thông qua một lập trường cứng rắn và khẳng định lãi suất cơ bản vẫn sẽ được giữ ở mức cao trong thời gian tới

Croatia: NH Quốc gia Croatia đã cắt giảm lãi suất chiết khấu 200 điểm, đưa lãi suất này xuống mức 7% từ mức 9%. Lãi suất điều hành chính sách tiền tệ - lãi suất repo cố định được tiếp tục duy trì ở mức 6%. Giải thích về động thái chính sách này, NHTW cho biết: mặc dù lãi suất chiết khấu không trực tiếp tác động vào diễn biến tiền tệ nhưng nó có thể tác động giảm các mức lãi suất khác.

Tháng 12/2007, NH Quốc gia Croatia đã tăng lãi suất chiết khấu thêm 450 điểm lên mức 9% từ 4,5%. Loại hình lãi suất này được áp dụng là lãi suất phạt và là mức lãi suất cao nhất có thể để áp dụng trong các hợp đồng kinh doanh.

Vân Hà - theo Website NHNN