Kiên định thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Ngày 05/6/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về Phiên
họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2011, trong đó Chính phủ yêu cầu các
Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu kiểm
soát lạm phát năm 2011 ở mức khoảng 15%; tăng trưởng khoảng 6%; giảm
bội chi ngân sách nhà nước dưới 5%; nhập siêu không quá 16%; tiết kiệm
chi thường xuyên 10%.
Tại Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ đánh giá cao kết quả thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cử tri và nhân dân cả nước. Cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng và đúng pháp luật; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử được bảo đảm.Chính phủ thống nhất nhận định, sau 5 tháng quyết liệt tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nền kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực: Thị trường ngoại tệ, vàng ổn định, tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép; dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện; thu chi ngân sách đạt khá; bội chi đạt chỉ tiêu kế hoạch; tiết kiệm chi được thực hiện nghiêm túc để dành cho các mục tiêu an sinh xã hội; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại và có chiều hướng giảm dần; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch; việc cắt giảm và điều chuyển, dãn tiến độ đầu tư công được thực hiện cơ bản như tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật là ngành điện đã bảo đảm tốt việc sản xuất và cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh so với cùng kỳ. An sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại đạt kết quả tốt. Những kết quả tích cực trên khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng hướng và phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của đất nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng chỉ ra, nền kinh tế còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhất là trong bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu, lương thực tăng và lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới; nhập siêu còn cao; tốc độ tăng trưởng thấp, ảnh hưởng đến việc làm và giảm thu nhập; lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; thị trường chứng khoán sụt giảm; thị trường bất động sản đang có diễn biến bất thường; đầu tư nước ngoài giảm; đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn...
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên định thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức khoảng 15%; tăng trưởng khoảng 6%; giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5%; nhập siêu không quá 16%; tiết kiệm chi thường xuyên 10%. Trong đó, Chính phủ đặc biệt lưu ý một số nội dung trọng tâm như: hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo đúng Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ đến hết ngày 30/6/2011; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện quản lý và kiểm soát giá theo đúng quy định của Pháp lệnh quản lý giá và các văn bản pháp luật về quản lý giá, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan đến đời sống; Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; ưu tiên vốn cho các công trình sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, các công trình phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, những ngành sản xuất đang có thị trường thuận lợi; thực hiện các biện pháp đã ban hành về khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu, kiên quyết kiểm soát và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu để giảm nhập siêu không vượt quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu...
Về nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%, trong đó chú ý điều hành phân bổ đều theo các quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao; để tạo khả năng thanh khoản trên thị trường, tiếp tục sử dụng linh hoạt các loại lãi suất thuộc công cụ điều hành của NHNN; quán triệt các ngân hàng thương mại tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, vàng, đặc biệt là những tháng cuối năm, để có giải pháp điều hành thích hợp; thực hiện các biện pháp để tăng dự trữ ngoại tệ; kiểm soát nợ xấu, giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra tính tuân thủ, chấp hành kỷ cương của các tổ chức tín dụng và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm; xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống.
Sơn Nam - theo Website NHNN