Kết quả cho vay chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới đến 30/4/2011

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về thí điểm xây dựng nông thôn mới và kế hoạch triển khai của các địa phương, ngành Ngân hàng đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai của Ngành và phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại 11 xã thí điểm.
Triển khai mạnh mẽ các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tập trung vốn đầu tư cho các lĩnh vực cho sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã tiết kiệm chi phí kinh doanh để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý đối với các lĩnh vực này. 
 
 Kết quả cho vay chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới đến 30/4/2011

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn trên địa bàn các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, gắn việc đầu tư xây dựng nông thôn mới với triển khai Nghị quyết 41/2010/NQ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư hướng dẫn số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến ngày 30/4/2011, dư nợ cho vay trên địa bàn 11 xã thí điểm đạt 534,74 tỷ đồng với 19.484 hộ dân và 28 doanh nghiệp đang còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ của các hộ sản xuất kinh doanh đạt 300,47 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 56,2% cơ cấu cho vay tại 11 xã), dư nợ cho vay xây dựng hệ thống thủy lợi là 2,51 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,5%), cho vay xây dựng nhà ở đạt 32,05 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6%), cho vay hộ nghèo đạt 42,94 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 12,82 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2,4%), các lĩnh vực cho vay khác là 143,95 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 26,9%).

Dẫn đầu về  cho vay tại 11 xã thí điểm là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) với dư nợ đạt 252,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 47,18% trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn 11 xã), tiếp theo là Ngân hàng Chính sách Xã hội với 137,4 tỷ đồng dư nợ (chiếm tỷ trọng 25,7%), Quỹ Tín dụng nhân dân đạt 35,13 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,57%), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đạt 19,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 3,6%), các tổ chức tín dụng khác có dư nợ là 90,61 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 16,95%).

Xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là xã dẫn đầu về dư nợ vay với số tiền là 116,84 tỷ đồng, xã Tân Thông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh là xã tiếp theo với dư nợ đạt 89,61 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tại các địa phương này đạt mức thấp, đến tháng 4/2011 nợ xấu tại 11 xã thí điểm là 2,65 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương  đẩy mạnh việc cho vay các đối tượng thuộc 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới theo tinh thần của Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, đồng thời tập trung vốn cho các hộ gia đình để có vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư cho chương trình này.

                                                                Minh Trung - theo Website NHNN